Điều gì sẽ giúp Sài gòn trở thành một “Silicon Valley”?

Tuần rồi, một bài viết rất thú vị của Peter Diamandis về Silicon Valley đã khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu thêm về vùng đất này.

Không phải đây là lần đầu tôi nghe người ta nói về Silicon Valley (thung lũng Silicon: nickname của vùng đất phía nam của San Francisco Bay Area, thuộc tiểu bang California, Mỹ), nhưng vì chưa bao giờ đến đó nên tôi cũng tò mò muốn biết xem điều gì khiến cho hầu hết các công ty công nghệ lớn nhất như Google, Apple, Facebook đều xuất phát từ đó.

Và một khi biết được là điều gì khiến Silicon Valley trở thành một nơi tuyệt vời như vậy cho các công ty khởi nghiệp (startups) thì câu hỏi rằng Tp. Hồ Chí Minh (Sài gòn) có thể trở thành một vùng đất tuyệt vời như vậy hay không sẽ tự có câu trả lời.

Bắt đầu với những quán cà phê (coffee shops)


Vào thế kỉ thứ 18 ở tây phương, các quán cà phê xuất hiện rất nhiều. Chúng trở thành môi trường thuận tiện thúc đẩy việc trao đổi và lưu thông thông tin một cách nhanh chóng. Và thông tin truyền càng nhanh đến càng nhiều người thì càng có nhiều ý tưởng mới xuất hiện, và theo đà như vậy mà hình thành nhiều ý tưởng có chất lượng.

Khi đọc đến đây thì tôi cũng khá mừng, vì ở Sài gòn quán cà phê thì “đầy đường”: chắc cứ 50m (?) là có một quán cà phê (quán lớn hoặc quán cóc). Vậy không chừng Sài gòn đang sắp trở thành một Silicon Valley?

Nguồn gốc thật sự thúc đẩy sự hình thành ý tưởng

Các nhà nghiên cứu sau đó phát hiện ra rằng cái nguyên nhân thật sự  ở đằng sau sự hình thành các quán cà phê là mật độ dân số của khu vực đó.

Khi mật độ dân số của một thành phố tăng lên thì nhà sẽ san sát nhau và chung cư sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Và khi mà người này “sống trên đầu người kia” thì ý tưởng cũng theo một hình tượng như vậy mà hình thành: ý tưởng cũng “chồng lên nhau” mà phát triển.

Sự giao thoa, cải tiến của các ý tưởng cứ như vậy lặp lại nhiều lần. Và điều này giúp hình thành nhiều ý tưởng hay, giúp ngày càng có nhiều startup thành công.

Trên khía cạnh đông dân thì Sài gòn chắc chắn là ghi điểm cao. Ai muốn chắc thì cứ đi một vòng quanh Sài gòn để tận mắc thấy được cái đông của Sài gòn (ngoại trừ người gốc Sài gòn, vì có thể họ đã quen từ nhỏ). Về mặt số liệu, tôi chỉ tìm được số liệu năm 2007, trong đó Sài gòn xếp hạng 20 về mật độ dân số trong các thành phố lớn trên thế giới.

2 điều mà Silicon Valley thật sự làm đúng

Mật độ dân số cao để giúp ý tưởng có cơ hội kết hợp với nhau là một điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện đủ. Theo trích dẫn của Peter Diamandis, 2 điểm sau mới chính là những điều khiến Silicon Valley thành trung tâm của startups:

  1. Mật độ entrepreneurs (người khởi nghiệp) tính bình quân đầu người cao gấp 10 lần các thành phố khác
  2. Mức độ chia sẻ thông tin giữa các entrepreneurs cao hơn nhiều các nơi khác

Vậy điều gì khiến mật độ entrepreneurs của Silicon Valley lại cao?

Một phần lớn là do lịch sử hình thành của vùng đất này. Nói vắn tắc: nhờ việc khuyến khích khởi nghiệp của những người lãnh đạo giúp tạo ra những công ty khởi nghiệp thành công lớn đầu tiên. Và một khi đã có được những thành công bước đầu, tự bản thân môi trường ở đó sẽ tạo được cái đà (momentum) để đi lên, thu hút được ngày càng nhiều người đến để làm giàu.

Nhưng cũng vì thế mà hiện nay Silicon Valley đang trở thành một “môi trường nhiều áp lực” với giá nhà đất và sinh hoạt phí cao, theo như comment được vote nhiều nhất ở bài thảo luận này. Và chính cái áp lực này khiến Silicon Valley trở thành nơi tập trung của những người “chú tâm vào tiền” (money-focused people).

Vì ở Silicon Valley ai cũng có thể đổi đời, vùng đất này thu hút được ngày càng nhiều những người giỏi đến sinh sống và làm việc (với năng xuất cao).  Sự góp mặt của những người giỏi khiến cho mặt bằng trình độ ở nơi đây ngày càng tăng, và cạnh tranh cũng theo đó mà trở nên khốc liệt hơn. Và vì cạnh tranh ngày càng lớn nên người ta lại phải làm việc ngày càng nhiều hơn và dám mạo hiểm hơn để có thể sống và phát triển được.

Một số trong nhiều những người/nhóm khởi nghiệp xuất sắc đó sẽ tạo ra được những startups rất thành công, trị giá tỉ đô, như Google và Facebook. Và những thành công vang dội này sẽ lại tiếp tục thu hút ngày càng nhiều người giỏi đến đây đổi đời bằng khởi nghiệp.

Vậy Sài gòn có đang có những yếu tố của một “Silicon Valley”?

Để câu trả lời được rõ ràng, sẽ có ích nếu chúng ta tóm tắt chu trình phát triển đã nói ở trên trong một sơ đồ đơn giản:

Chu trình phát triển của một Silicon Valley
Chu trình phát triển của một Silicon Valley

(0) Được khuyến khích khởi nghiệp + Có nguồn nhân lực chất lượng cao
-> (1) Những startups (đầu tiên) thành công tầm cỡ thế giới
-> (2) Thu hút nhiều người giỏi đến để làm việc hay khởi nghiệp
-> (3) Củng cố và tăng thêm trình độ nhân lực và mật độ entrepreneurs
-> Lặp lại (1)

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng Sài gòn vẫn đang còn bị kẹt ở bước (0) và (1) – xây dựng cái nền móng ban đầu của “hệ sinh thái khởi nghiệp” (startup ecosystem). Việc này thật sự khó. Những thành phố phát triển hơn và cũng được chính phủ đầu tư mạnh cho khởi nghiệp như Singapore hay Tokyo cũng vẫn chưa thể xây dựng một Silicon Valley thật sự vì nhiều lí do cụ thể của từng nơi.

Cái giai đoạn đầu tiên để tạo ra những công ty tỉ đô tầm cỡ thế giới là cái khó nhất. Khó nhưng chắc chắn phải vượt qua, vì không thể nào từ trong hư vô mà hi vọng sinh ra được một công ty tầm cỡ thế giới. Chúng ta cần một chính sách thuận lợi và khuyến khích khởi nghiệp: điều mà có lẽ nước nào cũng làm được nếu thật sự muốn (nhấn mạnh: nếu thật sự muốn!)

Nhưng giả sử rằng Sài gòn đến một lúc nào đó sẽ có những chính sách thuận lợi cho khởi nghiệp, thì vẫn còn nhiều yếu tố khác nan giải hơn cần giải quyết như:

  1. Nguồn nhân lực tay nghề cao?
  2. Một nền tảng nghiên cứu khoa học mạnh?
    (Entrepreneurs đem những đột phát về khoa học đến với thị trường, nhưng cần phảỉ có những nhà khoa học tạo ra những đột phát đó).
  3. Một môi trường mà mọi người đề cao cái mới, khuyến khích khám phá, cởi mở với thất bại?

Và nếu bạn nhìn vào những vấn đề trên thì đó là những vấn đề đòi hỏi rất nhiều thời gian.

Ngày ấy… Bao giờ?

To receive auto email updates about new posts, please register using this form:

Spread the love
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments