Các hoạt động phát triển tư duy

Tư duy bậc cao: tầm quan trọng và cách phát triển

Translate this page:

Trong công việc và cuộc sống, chúng ta thỉnh thoảng gặp những người rất linh hoạt trong khả năng áp dụng kiến thức từ mảng này sang mảng khác. Ở trường lớp, chúng ta cũng thỉnh thoảng nghe những cụm từ như: “học một hiểu mười”.

Trong bài chia sẻ này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một khái niệm có thể giúp làm sáng tỏ việc này, đó là “Kỹ năng tư duy bậc cao” (dịch từ cụm từ tiếng Anh “Higher-order thinking skills”, viết tắc là HOTS).

Kỹ năng tư duy bậc cao là một khái niệm xuất phát từ phân loại Bloom (Bloom taxonomy). Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu với phân loại này.

Phân loại Bloom (Bloom Taxonomy)

Phân loại Bloom gồm 6 cấp độ liên quan đến việc tiếp thu kiến thức, với cấp độ 1 (cấp độ thấp nhất) là cấp độ nằm ở đáy của kim tự tháp lật ngược ở dưới đây.

Phân loại Bloom

  1. Remember: Nhớ những gì được truyền đạt (= học thuộc lòng).
  2. Understand: Hiểu những gì đã học, thể hiện qua việc như: có thể tóm tắt được những ý chính, tổng quát hóa vấn đề.
  3. Apply: Ứng dụng những gì đã học vào những tình huống mới, những tình huống đòi hỏi áp dụng kiến thức vừa học trong mối quan hệ với nhiều kiến thức khác đã biết.
    • Ví dụ: Đâu là những hoàn cảnh thực tế mà chúng ta có thể áp dụng phương trình bậc 2 để giải quyết?
  4. Analyze: Phân tích kiến thức đã học và tạo ra mối liên kết với các kiến thức đã biết.
    • Tiếp nối ví dụ ở trên: phân tích nghĩa là đặc những câu hỏi như: mối quan hệ giữa công thức nghiệm phương trình bậc 2 và bậc 1 là gì? Liệu công thức đó có thể mở rộng cho phương trình bậc 3? Vì sao không? Còn phương trình bậc 4 thì sao? …
    • Đây là một quá trình phân tích để tích hợp một kiến thức mới với những gì chúng ta đã biết. Cũng qua quá trình này mà chúng ta hiểu sâu sắc hơn kiến thức đang học.
  5. Evaluate: Thẩm định.
    • Trong số những giải pháp đưa ra cho một vấn đề, có khả năng phân tích, đánh giá mức độ hay dở, thực tiễn hay thiếu thực tiễn, … của mỗi giải pháp và chọn được giải pháp phù hợp nhất với hoàn cảnh.
    • Thẩm định là một kỹ năng cao cấp vì nó đòi hỏi chúng ta phải biết nhiều mảng kiến thức khác nhau, hiểu mối liên kết giữa các kiến thức đó và đánh giá cái hay, cái giở của các giải pháp đó.
  6. Create: Tạo ra cái mới.
    • Dựa trên những gì đã biết từ kiến thức có sẵn, suy nghĩ tìm tòi tạo ra những giải pháp mới cho một vấn đề, ví dụ như: những giải thuật mới, những cách marketing mới, những phương pháp truyền đạt hay học tập mới,…
    • Tùy theo độ mới mẻ mà sáng tạo đó có thể là một sáng tạo nhỏ hay lớn, mang tính tiếp nối hay đột phá.

Tư duy bậc cao và tầm quan trọng của nó

Tư duy bậc cao là gì?

Trong 6 mức độ của Bloom Taxonomy, 3 mức độ ở cao nhất còn được biết đến là Tư duy bậc cao (Higher-order thinking, viết tắt là HOT).

Hình dưới đây đặt 3 kỹ năng tư duy bậc cao lên ở đỉnh cùng nhau (Analyze, Evaluate & Create) vì chúng có liên quan chặt chẽ với nhau.

Tư duy bậc cao trong Bloom

Tầm quan trọng của kỹ năng tư duy bậc cao

3 thang đầu tiên trong Bloom: truyền tải kiến thức

Kiến thức cung cấp thông tin nền tảng mà chúng ta cần biết về một chủ đề nào đó.

Khi so sánh kiến thức và tư duy, kiến thức giống như xăng và kỹ năng tư duy như động cơ: xăng là nguyên liệu nên tự nó không thể hoạt động được, nhưng động cơ nếu không có xăng thì cũng không chạy được.

Khi học một kiến thức chuyên ngành mới thì chúng ta sẽ cần phải đi qua 3 bước đầu tiên trong thang Bloom ở trên:

  1. Remember (Nhớ)
  2. Understand (Hiểu)
  3. Apply (Ứng dụng)

Khi học một kiến thức mới, chúng ta lúc nào cũng cần phải trải qua 3 bước này: nhớ kiến thức đó là gì, hiểu nó, và ứng dụng được vào ví dụ cụ thể.

3 thang đầu tiên trong Bloom

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý là ngay cả khi đã làm tốt 3 bước trên, người học chỉ đang nắm được kiến thức mà họ được dạy mà thôi, còn những kiến thức có liên quan nhưng chưa được dạy cụ thể thì họ không nắm được.

  • Ví dụ: một người học về cách giải phương trình bậc 2, sau khi trải qua 3 bước trên thì họ sẽ biết cách giải các phương trình bậc 2. Tuy nhiên, nếu họ gặp phải phương trình bậc 1 hay phương trình bậc 3 thì họ không giải được.

Thông qua 3 bước đầu tiên, bạn sẽ học được những kiến thức cụ thể của một mảng nào đó. Nhưng nếu dừng lại ở đó, bạn sẽ thiếu đi sự liên kết với các mảng kiến thức xung quanh trong cùng lĩnh vực và sự kết nối với các kiến thức tương tự ở những lĩnh vực khác.

Tư duy bậc cao: kết nối kiến thức

3 bậc tiếp theo là 3 bậc cao hơn của tư duy:

  • Phân tích (Analyze)
  • Thẩm định (Evaluate)
  • Sáng tạo (Create)

Nhờ có phân tích mà chúng ta hiểu được sâu sắc hơn vấn đề. Một khi chúng ta đã thật sự hiểu vấn đề A thì chúng ta sẽ có thể suy ra cách làm những vấn đề tương tự như A, kết nối kiến thức A với những kiến thức B, C liên quan và từ đó tạo ra những kiến thức mới.

Sự kết hợp này là một cách phổ biến của sáng tạo (creativity), thường được gọi là tổng hợp sáng tạo (creative synthesis): tạo ra cái mới dựa trên việc kết hợp những cái đã có sẵn.

Nếu học A chỉ biết làm A thì có nghĩa là chúng ta chưa sử dụng, vận dụng những kỹ năng suy nghĩ bậc cao.

3 thang tư duy bậc cao trong Bloom

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ thường xuyên phải đối mặt với những tình huống hay những bài toán mới mẻ (ít nhất là với cá nhân người đó tại thời điểm đó), và nếu không có 3 kỹ năng của tư duy bậc cao thì chúng ta sẽ khó có thể giải quyết được những tình huống mới mẻ đó.

Và nếu không thể xử lí những hoàn cảnh mới trong công việc và cuộc sống, thì khả năng xử lí vấn đề của chúng ta sẽ tiến triển chậm vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào những gì được dạy:

  • Được dạy A, B, C → Làm được A, B, C.
  • Nhưng nếu một bạn học sâu hơn và thường xuyên phát triển kỹ năng tư duy bậc cao, thì bạn đó có thể không chỉ làm được A, B, C mà còn có thể tự tìm hiểu để làm được D, E, F.

Như vậy, tư duy bậc cao giúp bạn phát triển khả năng tự học của mình, giúp bạn có thể nắm bắt những kiến thức và khái niệm mới, và giúp phát triển khả năng tư duy sáng tạo của mình.

Trong giai đoạn công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, một bạn sinh viên vào trường học cái A thì khi ra trường A đã lỗi thời, người ta đã chuyển sang dùng B.

Nếu bạn đó không có khả năng tự học cái B, dựa trên những gì đã biết về A, nhiều khả năng bạn đó lại phải cắp sách đi học cái B. Nhưng khi học xong thì người ta đã chuyển sang cái C rồi thì sao?

Tư duy bậc cao giúp bạn tự tin về năng lực tư duy của mình. Kiến thức sẽ có lúc lỗi thời, nhưng khả năng tư duy thì không. Vì thế chú trọng phát triển khả năng tư duy chính là điều quan trọng hàng đầu cho bất kì ai, quan trọng hơn việc tiếp thu một kiến thức cụ thể nào.

Tư duy bậc cao: không phải là một sự phát triển độc lập

Mối liên hệ giữa các thang trong Bloom

Như chúng ta đã đi vào chi tiết ở trên, nắm vững kiến thức giúp chúng ta hiểu và vận dụng được những cái đã học, trong phạm vi những gì được dạy.

Tư duy bậc cao được phát triển song song với quá trình phát triển kiến thức, chứ không phải là một quá trình tách rời. Nó giống như là nếu một ngôi nhà có 6 tầng, và chúng ta muốn lên tầng 4 thì phải đi qua tầng 3, chứ không thể nào bay thẳng từ tầng 1 lên tầng 4 được.

Tư duy bậc cao chỉ đơn giản là sự hiểu sâu sắc các kiến thức đã học, hiểu được bản chất của vấn đề chứ không phải là học thuộc lòng kiến thức.

Và khi chúng ta hiểu được bản chất của khái niệm, chứ không phải chỉ là bề mặt của nó, thì sự kết nối, liên kết kiến thức sẽ có thể diễn ra và ngày càng bùng nổ, qua đó giúp hình thành nên những suy nghĩ mới mẻ.

Phát triển kỹ năng tư duy bậc cao

Dưới đây là một số gợi ý mà tôi nghĩ ra để giúp cho việc phát triển tư duy bậc cao. Nếu bạn có những ý tưởng khác, bạn hãy gửi đề xuất của bạn nhé.

Tham gia thường xuyên vào các hoạt động giúp phát triển tư duy

Các hoạt động phát triển tư duy

Tư duy bậc cao hình thành trên nền tảng phân tích (Analyze), thẩm định (Evaluate) và Sáng tạo (Create).

Vì thế, để phát triển tư duy bậc cao bạn nên thực hành các bước trên thật nhiều. Dưới đây là một số cách cụ thể:

  • Hình thành thói quen đặt câu hỏi và tìm hiểu về những vấn đề mình chưa hiểu rõ (Analyze).
    • Quả thật, nếu bạn chú ý trong số những bạn bè của mình, sẽ có người cứ hay hỏi này hỏi nọ. Đó chính là họ đang tham gia vào quá trình phát triển khả năng tư duy của mình.
    • Đặt câu hỏi nhiều không thể hiện bạn kém. Mà ngược lại, người không hỏi thường do không biết gì để hỏi, chứ không phải là đã biết hết nên không cần hỏi. Nếu bạn không có gì để hỏi thì có thể là do bạn hoàn toàn bị hỗng kiến thức ở mảng đó, và đó là một dấu hiệu cảnh báo cho bạn.
  • Đánh giá các thông tin (kiến thức, tin tức) về mức độ chính xác của nó: phân tích và chỉ ra những điểm nào có thể nó chưa đúng hay chưa chính xác. (Analyze & Evaluate)
    • Đây là một quá trình diễn ra trong đầu mà bạn có thể thực hiện cho bất kì thông tin gì bạn gặp hàng ngày. Áp dụng ngay với những tin tức mà bạn tiếp nhận hàng ngày, thay vì chỉ đơn giản chấp nhận tất cả những gì bạn tiếp nhận là đúng.
  • Tích cực tham gia vào việc phát triển các sản phẩm, ý tưởng mới (Create)
    • Qua quá trình suy nghĩ sáng tạo và tạo nên những cái mới, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều bổ ích mà khi dừng lại ở mức độ lí thuyết chúng ta sẽ không hiểu rõ hay cảm nhận được.

Suy nghĩ dài hạn

Suy nghĩ dài hạn

Khi đi học, thời gian thường chỉ đủ để dạy và kiểm tra kiến thức ở các bậc 1 – 3. Vì thế để phát triển cao hơn, bạn sẽ cần dành thêm thời gian hơn, tùy thuộc vào số lượng thắc mắc & mức độ yêu thích của bạn.

  • Để hiểu và nhớ lâu vấn đề gì cũng sẽ mất thời gian. Nhưng đó là điều không thể khác được.
  • Không nên học thuộc lòng chỉ để đối phó, tiết kiệm thời gian trước mắc. Về lâu dài, bạn sẽ không thể vận dụng được những gì đã học. Nếu đã mất thời gian, vì sao chúng ta không cố gắng học để hiểu nghiêm túc và có thể sử dụng trong tương lai?
  • Ai cũng sẽ muốn và sẵn lòng dành nhiều thời gian cho những lĩnh vực mình thích. Vì thế, một cách để bắt đầu là phát triển kiến thức & khả năng tư duy của bạn với những môn học, lĩnh vực mà bạn yêu thích.

Phát triển tư duy bậc cao là một quá trình lâu dài, là một phần của quá trình học tập trọn đời. Vì thế, bạn không nên ép mình quá. Sẽ có lúc bạn dành nhiều thời gian để học, để tìm hiểu và sẽ có lúc bạn dành ít thời gian hơn.

Việc thay đổi lượng thời gian học hỏi, khám phá này theo thời gian là một điều hết sức tự nhiên. Quả thật, vì đây là một quá trình trọn đời, nên nó cho phép chúng ta thưởng thức và có được niềm vui và sự hào hứng từ chính quá trình này.

Một khi bạn bắt đầu quen với quá trình học tập trọn đời này, bạn sẽ thấy là sự lâu dài của quá trình này cũng chính là cái hay của nó. Nó giống như bạn xem một bộ phim hay mà không phải sợ là phim sắp hết.

Tìm kiếm một môi trường giúp bạn phát triển

môi trường giúp bạn phát triển tư duy

Có một sự thật là không phải ai (bạn học, đồng nghiệp, bạn bè, …) cũng biết về tư duy bậc cao hay mong muốn phát triển kĩ năng này. Quả thật, mặc dù tôi đã hiểu “trực quan” về tầm quan trọng của tư duy từ lâu (mà ai không vậy?), tôi cũng chỉ biết về Bloom gần đây trong quá trình research cho bài viết này. (Nếu bạn cũng vậy, chia sẻ với bạn bè về khái niệm này bạn nhé.)

Nhưng khái niệm không quan trọng: cho dù chúng ta gọi nó là Bloom hay gì chăng nữa, thì mấu chốt ở đây là: không phải ai ở quanh bạn cũng biết và hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển các kĩ năng tư duy bậc cao. Hệ quả của việc này là bạn có thể sẽ không có một môi trường thuận lợi để phát triển nó.

Vì thế, để phát triển kĩ năng này bạn hãy cố gắng tìm cho mình một môi trường phù hợp, thuận lợi cho việc phát triền này:

  • Sử dụng Internet để tìm kiếm những trang web, Facebook groups, … giúp bạn học và phát triển thêm về lĩnh vực mà bạn muốn.
  • Tham gia vào các câu lạc bộ, groups đó (online hay offline) để giúp bạn học hỏi và phát triển kiến thức chuyên môn cũng như khả năng tư duy của mình.

Dù cho hoàn cảnh hiện tại của bạn không thuận lợi, nếu bạn kiên nhẫn tìm kiếm, nhất định bạn sẽ tìm thấy một nơi phù hợp với mình, trong thế giới offline hay online.

Tóm tắt về tư duy bậc cao

  • Khi học bất kì một kiến thức nào, đầu tiên chúng ta sẽ cần học và nắm rõ mảng kiến thức đó thông qua 3 bước: Nhớ, Hiểu và Áp dụng.
  • Trên nền tảng đó, kỹ năng tư duy bậc cao được phát triển thông qua các bước: phân tích, đánh giá và sáng tạo.
  • Kỹ năng tư duy bậc cao về bản chất là một sự phát triển nở rộ của việc tiếp thu kiến thức hiệu quả, và nhờ đó chúng ta có thể kết nối kiến thức với nhau và thật sự hiểu bản chất của vấn đề, chứ không chỉ học thuộc lòng.
  • Từ “bậc cao” trong “kỹ năng tư duy bậc cao” chỉ có nghĩa là kỹ năng này được phát triển sau, trên nền tảng đã hiểu kiến thức đã học. “Bậc cao” ở đây không có nghĩa là kỹ năng này chỉ dành cho một thiểu số nào đó. Quả thật, kỹ năng tư duy bậc cao là một kỹ năng quan trọng hàng đầu cho bất kì ai muốn thành công trong công việc hay cuộc sống.
  • Phát triển kỹ năng này là một quá trình lâu dài, và vì thế chúng ta nên cố gắng tích hợp quá trình phát triển kỹ năng này vào cuộc sống hàng ngày của mình. Và luôn nhớ rằng, học tập là một quá trình trọn đời.

 

Nguồn Tham khảo

 

Một số từ vựng tiếng Anh đã được sử dụng trong bài:

  • Taxonomy (noun): thang/hệ thống phân loại
  • Remember (verb): nhớ.
  • Understand (verb): nhớ
  • Apply (verb): áp dụng
  • Analyze (verb): phân tích
  • Evaluate (verb): thẩm định
  • Create (verb): tạo ra (một cái gì đó).
    • Creation (noun): sự tạo ra
    • Creativity (noun): sự sáng tạo
  • Skill (noun): kĩ năng
  • Higher-order (adj): một tính từ được tạo thành bằng cách ghép 2 từ “higher” (adj, cao hơn) và order (noun, ở đây nghĩa là thứ tự)
  • Higher-order thinking skills: kỹ năng tư duy bậc cao

 

Để học thêm từ vựng tiếng Anh theo chủ đề, bạn có thể học thêm ở đây, và ở đây.

Để học thêm tiếng Anh để phục vụ cho công việc và cuộc sống, tham khảo Chương trình Học tiếng Anh online ở Tiếng Anh Mỗi Ngày tại đây.

To receive auto email updates about new posts, please register using this form:

Spread the love
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments