Phong cách học tập

Các phong cách học tập theo mô hình Kolb (learning styles)

Quá trình học tập là một quá trình lâu dài và không đơn giản. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ với các bạn một khía cạnh của việc học có tên gọi chuyên môn là Learning styles (tạm dịch: phong cách học).

Sơ lược về phong cách học tập và tầm quan trọng của nó

Phong cách học tập (learning styles) dùng để chỉ cách thức mà mỗi người học.

Một ví dụ tương tự là trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy rất rõ là mỗi người có một phong khách “sống” khác nhau, không ai giống ai hoàn toàn. Tương tự như vậy, mỗi chúng ta cũng có phong cách học khác nhau.

Việc hiểu được phong cách học của mình sẽ giúp chúng ta chọn cách học, tài liệu và chủ đề học phù hợp với chúng ta nhất. Việc này sẽ giúp chúng ta đạt được những hiệu quả cao hơn một người chưa biết về phong cách học của họ.

Trước khi giới thiệu mô hình này, chúng ta cần hiểu rõ là các lý thuyết về tâm lí học, dù đã được xác nhận nhiều lần qua các thí nghiệm, thì đều có độ chính xác tương đối, chứ không phải là tuyệt đối.

Cụ thể, các lí thuyết về khoa học xã hội, bao gồm tâm lí học, không giống như những lý thuyết toán học mà 1 + 1 = 2 luôn luôn đúng. Các lý thuyết này có thể sẽ áp dụng được với đa số mọi người nhưng sẽ luôn có các trường hợp mà nó không đúng. Cụ thể, điều này có nghĩa là nó có thể không đúng với bạn (mặc dù điều đó chỉ xảy ra với một xác xuất thấp).

Mô hình (model) của David Kolb ở đây là một mô hình đã có nhiều sự kiểm chứng về mặc thực nghiệm. Và quan trọng nữa, là tôi nhận thấy nó khá đúng với những quan sát thực tế của mình nên muốn chia sẻ cùng các bạn.

Nào chúng ta hãy bắt đầu.

4 phong cách học tập theo mô hình của Kolb

2 cách tiếp nhận kiến thức

Theo Kolb, có 2 phong cách tiếp nhận kiến thức là:

  1. Concrete experience: học thông qua những trải nghiệm cụ thể.
    • Những người này sẽ tiếp nhận kiến thức nhanh nhất thông qua các ví dụ cụ thể, rõ ràng, chứ không phải thông qua các công thức hay khái niệm tổng quát, trừu tượng. Do đó, để tiếp thu tốt, họ sẽ muốn có ví dụ cụ thể cho tất cả những lí thuyết mà họ tiếp thu.
  2. Abstract conceptualization: học thông qua các khái niệm (trừu tượng).
    • Những người này có phong cách ngược lại: thích tiếp cận kiến thức trực tiếp trên những khái niệm tổng quát, trừu tượng. Vì thế, những người này sẽ không cần quá nhiều những ví dụ cụ thể khi tiếp thu các khái niệm. Trong thảo luận, việc phải đưa ra quá nhiều ví dụ cụ thể sẽ khiến họ cảm thấy đang bị “mất đi bức tranh tổng quát”.

2 phong cách chuyển hóa kiến thức

Sau khi tiếp nhận kiến thức, theo Kolb, chúng ta sẽ chuyển hóa (= áp dụng, tích hợp) các kiến thức này theo một trong hai cách sau:

  1. Reflective Observation (Quan sát suy ngẫm): Những người này thích suy ngẫm, suy tư về những thông tin mình tiếp nhận được. Những người này vì thế thường mạnh về việc tổng hợp, đúc kết kiến thức dựa trên những gì họ quan sát được, hoặc dựa trên những kiến thức lí thuyết mà họ học được.
  2. Active Experimentation (Thử nghiệm tích cực): Nhóm này sẽ thích việc thực hành hơn là suy ngẫm lí thuyết. Nói cách khác, đối với họ việc học không diễn ra lúc tiếp nhận các lí thuyết, mà chỉ thực sự diễn ra khi họ áp dụng nó, thí nghiệm với nó thông qua các ví dụ, dự án, áp dụng cụ thể.

4 phong cách học theo mô hình của David Kolb

Với 2 cách tiếp cận kiến thức  x  2 cách chuyển hóa kiến thức sẽ cho chúng ta tổng cộng 4 phong cách học

  1. Abstract conceptualization + Reflective Observation (Tiếp nhận kiến thức trừu tượng + Suy ngẫm lí thuyết)
    • Ví dụ như: philosophers (triết gia), mathematicians (nhà toán học), …
  2. Abstract conceptualization + Active Experimentation (Tiếp nhận kiến thức trừu tượng + Thực hành ứng dụng)
    • Ví dụ như: engineers (kỹ sư)
  3. Concrete Experience + Reflective Observation (Tiếp nhận kiến thức cụ thể + Suy ngẫm lí thuyết)
    • Ví dụ như: social workers (những người hoạt động xã hội)
  4. Concrete Experience + Active Experimentation (Tiếp nhận kiến thức cụ thể + thực hành ứng dụng)
    • Ví dụ như: physical therapists (các nhà vật lí trị liệu)

Vì 4 nhóm này tiếp nhận và xử lí thông tin theo các cách khác nhau, thế mạnh trong việc tiếp nhận và xử lí kiến thức của họ sẽ phù hợp với những ngành nghề khác nhau, như các ví dụ được đề cập trong bảng ở trên.

Tuy nhiên, có 2 điểm chúng ta cần lưu ý:

  • Mỗi người sẽ có một phong cách học thế mạnh, chủ đạo của mình, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không sử dụng các phong cách học khác. Đọc thêm dưới đây về việc này.
  • Phong cách học của mỗi người không phải do yếu tố di truyền quyết dịnh hay cố định suốt đời, mà thay đổi chủ yếu do môi trường (công việc, gia đình).

Lấy một ví dụ cụ thể: nếu bạn là người thích tiếp nhận kiến thức qua các ví dụ cụ thể (Concrete) nhưng nhóm làm việc của bạn toàn những người thích tiệp nhận thông tin theo hướng trừu tượng (Abstract) thì nếu bạn làm lâu ngày, phong cách tiếp nhận kiến thức của bạn sẽ trở nên “trung tính hơn”, nghĩa là bạn vẫn thích tiếp nhận thông tin cụ thể, nhưng bạn sẽ quen hơn và đỡ thấy khó chịu với việc phải tiếp nhận thông tin theo cách trừu tượng.

Ứng dụng của phong cách học tập

Việc hiểu được các phong cách tiếp nhận và xử lí kiến thức phổ biến sẽ có thể giúp chúng ta vận dụng được trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Dưới đây là 3 hoàn cảnh cụ thể mà việc hiểu phong cách học tập sẽ rất hữu ích.

Hoàn thiện khả năng tiếp nhận và xử lí kiến thức

Theo Kolb, không có phong cách học nào trong 4 phong cách học trên là ưu việc hay tối ưu hơn những phong cách học còn lại, mà chỉ là phong cách. Cũng giống như màu xanh thì khác với màu đỏ, còn việc màu nào được ưa chuộng hơn thì tùy vào “cấu hình” của mỗi người.

Để tiếp thu và ứng dụng kiến thức được hiệu quả, chúng ta cần một sự cân bằng nhất định, thông qua việc sử dụng cả 2 cách tiếp nhận kiến thức và cả 2 cách biến chuyển kiến thức.

Điều này không có nghĩa là chúng ta phải ép mình làm những gì trái với thế mạnh của mình. Mà ngược lại, ý ở đây là phát huy hơn nữa khả năng của chúng ta bằng cách áp dụng những cách tiếp cận khác: dù cho không phải là cách quen thuộc nhất của mình nhưng có thể hữu ích trong những tình huống khác nhau.

Chúng ta hãy lấy một ví dụ cụ thể:

  • Bạn Ngọc thường quen với việc tiếp nhận kiến thức thông qua các tình huống hay ví dụ cụ thể.
    • Ngọc vì thế sẽ dễ hiểu vấn đề hơn khi được cho một ví dụ, thay vì phải tiếp nhận các công thức hay lí thuyết trừu tượng. Dựa vào các ví dụ áp dụng cụ thể, Ngọc có thể dựa vào đó để giải các bài toán tương tự.
    • Nhưng song song với việc đó, Ngọc sẽ học hiệu quả hơn nữa bằng cách tìm hiểu quá trình tổng quát hóa (generalize) các ví dụ thành những công thức tổng quát.
    • Một khi nắm được những công thức tổng quát đó, Ngọc sẽ có thể hiểu sâu hơn những gì mình học. Và nhờ vào việc tổng quát hóa khái niệm, bạn sẽ có thể ứng dụng kiến thức này trong những tình huống khác.
  • Qua ví dụ này, chúng ta thấy quá trình đi từ Tổng quát → Cụ thể và Cụ thể → Tổng quát là những quá trình bổ trợ cho nhau, phục vụ cho việc hiểu kiến thức đa chiều và sâu sắc.
  • Ngược lại, lấy ví dụ với bạn Phương, người thích tiếp nhận thông tin ở mức độ trừu tượng.
    • Nếu Phương chỉ lí luận ở mức độ tổng quát mà không đối chiếu với những ví dụ cụ thể thì bạn sẽ không phát hiện được những khía cạnh mà những công thức tổng quát đó không áp dụng được hay không còn đúng.
    • Ngoài ra, các khái niệm trừu tượng thường được tạo ra bởi tác giả bắt nguồn từ việc quan sát một hiện tượng hay tình huống cụ thể nào đó. Việc hiểu được những động cơ cụ thể này sẽ giúp Phương hiểu được quá trình hình thành những khái niệm tổng quát từ những trường hợp cụ thể.

Như vậy, việc hiểu được các phong cách học sẽ giúp chúng ta phát triển khả năng tự học của mình lên một tầm cao mới.

Cải thiện độ hiệu quả khi giao tiếp với những người không cùng phong cách học

Khi chưa biết về 4 phong cách học này, chúng ta thỉnh thoảng sẽ cảm thấy sao mà một số người hay nói chuyện theo cách mà chúng ta thấy không dễ hiểu chút nào.

Trong thực tế, sẽ có vấn đề về giao tiếp nếu chung ta là người cụ thể (Concrete) gặp một người nói chuyển tổng quát (Abstract), hay ngược lại. Hoặc là chúng ta là người thích bình luận các khái niệm ở mức độ triết lí (Reflective Observation) gặp người thích ứng dụng thực tiễn (Experimentation).

Khi biết về các phong cách học khác nhau này, chúng ta sẽ ý thức được rằng thật ra người đó không phải đang “khó hiểu” mà chỉ đơn giản là do chúng ta có cách tiếp nhận và xử lí kiến thức khác nhau.

Khi đó, thay vì bực mình, chúng ta sẽ dễ thông cảm hơn với người chúng ta đang giao tiếp, và chỉ việc yêu cầu họ nói cụ thể hơn hay khái quát hơn.

Ứng dụng vào việc dạy học

Với giáo viên, tôi nghĩ ứng dụng đầu tiên là trong việc hiểu được phong cách học của chính mình (của giáo viên).

Việc hiểu được phong cách học của bản thân sẽ giúp chúng ta không vô tình lên một bài giảng bị quá lệch theo phong cách của mình, qua đó đảm bảo rằng tất các bạn học viên trong lớp, với những phong cách học khác nhau, đều có thể tiếp nhận bài giảng một cách hiệu quả và thích thú.

Một bài giảng đáp ứng được hết cả 4 phong cách sẽ cần có:

  • Lí thuyết (tổng quát, trừu tượng) đi kèm với các ví dụ cụ thể.
  • Ứng dụng ở mức độ lí thuyết giữa các khái niệm, cũng như ứng dụng thực hành.

 

Nguồn tham khảo

 

To receive auto email updates about new posts, please register using this form:

Spread the love
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments