Hướng dẫn tự học

Hướng dẫn cách tự học hiệu quả

Nếu bạn đang tự học, hay dự định tự học một kỹ năng hay kiến thức nào đó, ví dụ như tự học tiếng Anh, thì bạn đã đến đúng nơi rồi nhé!

Bài viết này sẽ giúp bạn định hướng được cách tự học như thế nào để có hiệu quả nhất bằng cách cùng bạn đi qua quá trình tự học, những trở ngại và cách vượt qua để bạn có thể phát triển kỹ năng tự học của mình.

Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Liệu tôi có thể tự học được không?”. Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta cần xác định rõ ràng hơn thế nào gọi là “tự học”.

Thế nào là tự học?

Thế nào là tự học?

Hiện nay có 2 cách học phổ biến là:

  1. Học với sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên, trong một lớp gồm nhiều học viên hay chỉ 1 học viên (học kèm). Để ngắn gọn, chúng ta sẽ gọi cách học này là “học trực tiếp với giáo viên”.
  2. Tự học (không có sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên).

Như vậy, chúng ta có thể thấy được là sự khác biệt cốt lõi giữa 2 cách tiếp nhận kiến thức này nằm ở việc có “sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên” hay không.

Khi bạn tự học, bạn thật ra vẫn có thể có sự hướng dẫn của “giáo viên”, mặc dù là không “trực tiếp” hay ngay lập tức. Một số ví dụ cụ thể:

  • Khi bạn tự mua sách về và tự học, những cuốn sách đó đang thay mặt tác giả giảng dạy cho bạn. Khi bạn đang đọc sách, bản chất là tác giả đang hướng dẫn cho bạn, chỉ là không trực tiếp đứng trước mặt bạn.
  • Khi bạn tham gia một Facebook group học tiếng Anh: các bạn trong groups vừa là học viên vừa là giáo viên. Khi bạn đặt một câu hỏi, bạn vẫn sẽ có được câu trả lời (tức nhiên tùy thuộc vào chất lượng của group) nhưng có thể bạn sẽ phải chờ một thời gian để có ai đó trả lời cho bạn.

Điều tôi muốn nói ở đây là khi tự học, bạn vẫn có được sự hướng dẫn của các tiền bối, của giáo viên, chứ không phải là hoàn toàn không có. Chỉ có điều là chúng ta phải hiểu rộng ra khái niệm “hướng dẫn” để thấy được điều này.
(Ở một phần dưới đây, chúng ta sẽ nói về những cách bạn có thể làm để có được sự hướng dẫn này.)

Khi tự học, bạn vẫn có thể có được sự hướng dẫn của các tiền bối, của giáo viên, chứ không phải là hoàn toàn không có.

Và bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau nói về việc học online, một xu hướng học đang ngày càng trở nên phổ biến.

Học online có phải là tự học?

Học online có phải là tự học không?

Như chúng ta đã thấy ở trên, việc phân loại một hình thức học là tự học hay không tùy thuộc vào việc hình thức học đó có đòi hỏi phải có sự hướng dẫn tức thời của giáo viên hay không.

Như vậy, việc học tiếng Anh online, hay việc học online nói chung, có thể là tự học, mà cũng có thể là cách học “đến lớp” (với một khác biệt là lớp ở đây diễn ra online).

Chúng ta hãy lấy một vài ví dụ cụ thể để minh họa việc này:

  • Hiện nay có nhiều dịch vụ cung cấp việc học tiếng Anh 1-kèm-1 với giáo viên trong và ngoài nước. Khi bạn đăng kí các khóa học này, bạn vẫn đang được “đến lớp” chứ không phải là tự học vì trong lúc học bạn vẫn có sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên.
  • Một số dịch vụ khác cung cấp việc học online theo nhóm: tức là nhiều học viên trong cùng một lớp. Cách học này rất giống việc học ở lớp học truyền thống, nhưng diễn ra trong môi trường online. Cách học này không phải là tự học.
  • Bạn mua một khóa học tiếng Anh trực tuyến để học với một chương trình được biên soạn sẵn và học thông qua tương tác với phần mềm và không có giáo viên theo sát bạn khi bạn học. Đây là một ví dụ của việc tự học.
  • Bạn tham gia một Facebook group, forum online hay tự mình google về những đề tài mình quan tâm. Sau đó, bạn tự đọc những tài liệu mình thấy. Trong quá trình đọc, bạn tiếp tục google những khái niệm hay thông tin có trong những bài đó để giúp bạn hiểu rõ hơn hay để xác minh thông tin. Đây là một ví dụ sống động của quá trình tự học.

Nói tóm lại, cụm từ “học online” (hay học trực tuyến) chỉ diễn tả việc bạn học thông qua các lớp học và chương trình được cung cấp qua Internet. Tùy vào việc các khóa học đó diễn ra như thế nào mà việc học online có thể là “đến lớp” hay tự học.

“Học online” chỉ diễn tả việc bạn học thông qua các lớp học và chương trình được cung cấp qua Internet. Tùy vào việc các khóa học đó diễn ra như thế nào mà việc học online có thể là “học với giáo viên” hay tự học. 

Sau phần thảo luận ở trên, một câu hỏi rất tự nhiên khi bạn đọc đến đây là: Vậy thì tôi nên chọn cách học nào? Khi nào thì nên tự học và khi nào thì cần học trực tiếp với giáo viên?

Ưu và nhược điểm nói chung của việc tự học

Trong bảng dưới đây, chúng ta sẽ so sánh việc tự học với việc học trực tiếp với giáo viên để cùng nhau thấy rõ được những ưu và nhược điểm chung của mỗi cách học.

Về chất lượng

Tự học Học trực tiếp với giáo viên
  • Phụ thuộc vào năng lực hiện nay và kinh nghiệm tự học của bạn.
  • Phụ thuộc vào mức độ phù hợp của cá tính của bạn với quá trình tự học.
  • Phụ thuộc vào bạn: bạn có tham gia tích cực vào quá trình học, đặt câu hỏi, tự luyện tập, …
  • Phụ thuộc vào chất lượng của giáo viên
    • Trong thực tế, học viên thường xem hồ sơ và review về giáo viên trước khi chọn lớp hay trung tâm.

Về chi phí

Tự học Học trực tiếp với giáo viên
  • Thấp hơn
  • Cao hơn (nhiều) so với việc tự học.
    • Cũng phụ thuộc vào hình thức bạn học: học lớp nhiều người hay học kèm, học online hay offline, …

Về mức độ tiện lợi

Tự học Học trực tiếp với giáo viên
  • Linh hoạt cả về thời gian và địa điểm
    • Nhưng thường cần phải có Internet, hoặc nhiều sách báo tài liệu, để có thể tự học.
  • Thời gian: thường cố định trước.
  • Địa điểm: nếu học offline bạn sẽ phải di chuyển (sẽ là vấn đề lớn nếu bạn ở các thành phố lớn).

Nếu bạn nhìn vào các bảng so sánh ở trên bạn sẽ thấy là việc tự học có vẻ như hoàn toàn thắng thế so với việc học trực tiếp với giáo viên: về chi phí và tiện lợi thì hơn hẳn, còn về chất lượng thì cách nào cũng phụ thuộc vào chính người học cả!

Mặc dù về khía cạnh chi phí và sự tiện lợi thì việc tự học có nhiều lợi thế hơn, điều quan trọng nhất khi chúng ta học một kỹ năng hay kiến thức nào đó không phải là sự tiện lợi, hay thậm chí là chi phí, mà là chất lượng.

Và nói đến chất lượng, sẽ có nhiều điều chúng ta cần phải nói thêm…. ở dưới đây.

Những kỹ năng cần thiết để tự học hiệu quả

Để có thể tự học tiếng Anh nói riêng và tự học nói chung được hiệu quả, tôi nghĩ có một số điểm quan trọng mà chúng ta cần làm tốt, như được thảo luận ở dưới đây. Tất cả những điểm này đều quan trọng khi chúng ta tự học hay học với giáo viên, nhưng chúng trở nên đặc biệt quan trọng khi chúng ta tự học.

(Và khi đi qua những điểm dưới đây, bạn cũng sẽ đồng thời biết được vì sao việc tự học không phải là con đường được hầu hết mọi người lựa chọn, mặc cho những lợi thế của cách học này trong bảng kể trên.)

Biết mục tiêu học một cách cụ thể

Biết mục tiêu học một cách cụ thể

Để có thể tự học một kiến thức hay kỹ năng nào đó, chúng ta cần biết là mục tiêu (goals) muốn đạt đến là gì.

Lấy ví dụ về việc học tiếng Anh, việc xác định rõ mục tiêu (như đạt 450 điểm TOEIC hay IELTS 6.0) nghe có vẻ như là một điều hiển nhiên mà ai cũng làm, cũng biết mà làm.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc này không phải khi nào cũng đơn giản như vậy, bởi lẽ không phải lúc nào chúng ta cũng có một mục tiêu rõ ràng như vậy. Ví dụ như:

  • Đối với các bạn học sinh cấp II hay thậm chí là cấp III, việc học chủ yếu là để phục vụ việc thi cử ở trường. Nghĩ là “được dạy gì thì học đó”, chứ các bạn không có một mục tiêu nào rõ ràng và tạo ra nhiều động lực hơn cho mình.
  • Đối với người đi làm, nhiều khi công việc đòi hỏi chúng ta phải giao tiếp với người nước ngoài, hoặc là chúng ta muốn xin việc ở công ty nước ngoài có xếp nói tiếng Anh. Khi đó, nhiều bạn sẽ muốn “giao tiếp được tiếng Anh”. Đó là một mục tiêu đã khá cụ thể, nhưng có nhiều điểm vẫn chưa được rõ ràng như: giao tiếp được ở mức độ nhuần nhuyễn nào, chỉ cần giao tiếp được trong một lĩnh vực công việc cụ thể hay là giao tiếp tốt trong hầu hết các tình huống, …

Việc dành thời gian để xác định một mục tiêu học tập có giá trị thực tế với hoàn cảnh cụ thể của mỗi người là một việc rất quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta đã đi làm: bận rộn công việc và gia đình.

Có một mục tiêu cụ thể sẽ quyết định động lực học của chúng ta, một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đạt được mục tiêu. Về phần này, các bạn tham khảo phần chia sẻ chi tiết ở đây: Thảo luận về động lực học tiếng Anh.

Biết cách chia nhỏ mục tiêu và lên kế hoạch học

Biết cách chia nhỏ mục tiêu và lên kế hoạch học

Sau khi đã có một mục tiêu rõ ràng, bước tiếp theo là lên kế hoạch học.

Để lên được kế hoạch học, chúng ta trước hết cần phân tích mục tiêu đặt ra để chia nhỏ nó thành những mục tiêu nhỏ hơn. Cụ thể, chúng ta cần làm 2 bước:

  • Tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng thành phần cấu tạo nên kỹ năng mục tiêu.
  • Tìm hiểu cách làm thế nào để học được những kỹ năng thành phần đó.

Lấy một ví dụ cụ thể với mục tiêu là “lấy lại nền tảng tiếng Anh vì đã mất gốc”.

  • Để đạt được mục tiêu này, bước tiếp theo chúng ta cần xác định, bằng cách google, để biết được:
    • Nền tảng của tiếng Anh gồm những gì: đây là bước chia nhỏ mục tiêu lớn (tiếng Anh) thành các mục tiêu con (các kỹ năng tiếng Anh thành phần).
  • Và sau đó, chúng ta lại tìm kiếm để biết xem một kỹ năng nào đó trong danh sách trên gồm những mảng kiến thức nào.

Lấy một ví dụ khác là Đại số lớp 12. Để học tốt Đại số lớp 12, chúng ta cũng sẽ đặt những câu hỏi tương tự:

  • “Đại số lớp 12” gồm những mảng kiến thức cốt lõi nào?
  • Để giỏi mỗi mảng kiến thức đó chúng ta cần học những gì?

Sau khi đã có một danh sách cụ thể những kỹ năng cần học, lấy ví dụ như kỹ năng nghe và đọc tiếng Anh, thì tiếp theo chúng ta lại lập lại một quy trình tương tự:

  • Đâu là những kiến thức hay kĩ năng nền tảng để có thể nghe tiếng Anh tốt?
  • Làm thế nào để có thể luyện những kỹ năng nền tảng đó?

Sau khi có câu trả lời, chúng ta sẽ có một danh sách những kỹ năng, kiến thức cụ thể để học, cùng một danh sách những websites, apps, books để học (cũng được tìm thấy thông qua bước tìm kiếm ở trên).

Và như vậy, chúng ta đã có một kế hoạch học, một lộ trình học cụ thể cho mình.

Đến bước này, nhiều bạn sẽ “đầu hàng” với lí do là: Làm thế nào mà một người chưa biết gì về tiếng Anh lại có thể tự mình google và tìm được câu trả lời như vậy?

Đó là một câu than phiền hợp lí. Và đó cũng là lí do vì sao ở trên, tôi đã nói là hầu hết các bạn không chọn con đường tự học.

Sau khi đã thông cảm với câu thang phiền trên, đây là câu trả lời: Một người chưa biết gì về một mảng kiến thức X nào đó vẫn có thể tự mình tìm kiếm và lên mục tiêu cụ thể để học X được.

Nhưng người đó cần có kỹ năng được đề cập trong phần tiếp theo đây.

Có khả năng tìm kiếm, phân tích và tổng hợp thông tin

Có khả năng tìm kiếm, phân tích và tổng hợp thông tin

Đây có lẽ là điểm cốt lõi, quyết định việc một người hiện có thể tự học được hay chưa. (Và nếu câu trả lời là chưa, bạn đó cần làm gì để phát triển khả năng tự học của mình.)

Như chúng ta đã nói ở phần phía trên, để tự học được chúng ta phải có khả năng tìm kiếm thông tin về mảng kiến thức hay kỹ năng chúng ta cần học.

Khi nói đến kỹ năng “google” thì ai cũng nghĩ nó dễ: “chỉ gõ vào là xong”. Đồng ý là gõ cái mình cần tìm thì không khó, nhưng cái khó nằm ở chỗ xử lí những kết quả mà Google trả về cho chúng ta.

Và thực sự, việc xử lí những kết quả trả về đó sẽ gây ra không ít khó khăn bởi lẽ:

  • Khi học từ đầu, chúng ta không hề có ý niệm gì về mảng kiến thức đó. Do đó, khi tìm kiếm thông tin chúng ta sẽ không biết được đâu là những nguồn đáng tin cậy. Và quan trọng nữa: chúng ta có thể sẽ không biết những gì họ nói có đúng hay không! Vì thế, khả năng phân tích thông tin để có thể xét đoán được mức độ chính xác hay tin cậy của một thông tin là một kỹ năng rất quan trọng.
  • Trong bất kì lĩnh vực nào, không một ai hay một chương trình nào có thể chính xác và đầy đủ 100%. Do đó, việc tự học còn đòi hỏi chúng ta biết cách tổng hợp (= so sánh và tích hợp) kiến thức từ nhiều nguồn thông tin khác nhau.

Như vậy, để tìm kiếm thông tin tốt chúng ta phải đồng thời có khả năng phân tích và tổng hợp kiến thức tốt. Việc tiếp cận thông tin sẽ không có mấy ý nghĩa nếu chúng ta không có khả năng phân tích, đánh giá độ chính xác cũng như học hỏi, tích hợp vào những gì chúng ta đã biết (kho kiến thức có sẵn của chúng ta).

Việc tiếp cận thông tin sẽ không có mấy ý nghĩa nếu chúng ta không có khả năng phân tích, đánh giá độ chính xác cũng như học hỏi, tích hợp vào những gì chúng ta đã biết.

Trên góc nhìn này, có vẻ như không không phải ai cũng giỏi google như vẫn nghĩ.

Quả thật, đây là một kỹ năng khó, một kỹ năng cao cấp.

Một kỹ năng mà một quá trình đào tạo từ nhỏ đến hết lớp 12, rồi 4 năm đại học/cao đẳng cũng có thể là chưa đủ để có thể làm được, nếu chúng ta không chú trọng phát triển và tô luyện nó.

Về cốt lõi, những mảng kiến thức cơ bản của kỹ năng google này gồm có:

  • Khả năng tư duy logics tốt: để giúp bạn phân tích kiến thức, thông tin, biết đâu là thông tin chính xác, đâu là lí luận sai lầm.
  • Khả năng tổng hợp thông tin, kiến thức: thường để phát triển khả năng này, chúng ta sẽ cần tăng tính “hệ thống” của mình lên một bật.
    • Có vẽ như những người có khả năng này là những người không thích sự “bừa bộn” trong kiến thức hay thông tin. Họ luôn muốn tổ chức những gì họ biết một cách ngăn nắp. Và đề làm được điều này, họ sẽ luôn muốn biết một thông tin hay kiến thức mới sẽ có liên quan gì với những gì họ đã biết để có thể đặt nó vào đúng chỗ. Về cơ bản, đó chính là quá trình tổng hợp kiến thức!

Rèn luyện kỹ năng này cần thời gian (và có lẽ là rất nhiều thời gian!) nên tốt nhất là chúng ta xem nó như một quá trình. Trong quá trình học những kiến thức cụ thể khác, kỹ năng này sẽ có cơ hội được sử dụng và rèn luyện và phát triển dần dần.

Đến đây, bạn sẽ thấy là để tự học được không phải là dễ dàng. Khả năng tự học nó là một khả năng cao cấp, một “tuyệt kỹ” mà một khi có nó, bạn sẽ có được trọn vẹn những lợi ích của tự học như sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí.

Có khả năng đọc hiểu hay nghe hiểu tiếng Anh

Có khả năng đọc hiểu hay nghe tiếng Anh

Ở phần này, chúng ta nói thêm về việc tìm kiếm kiến thức bằng tiếng Anh.

Vì sao? Bởi lẽ phần lớn những kiến thức mới nhất, hay nhất đều có trong tiếng Anh trước khi nó có trong tiếng Việt.

Và vì thế, nếu chúng ta chỉ có thể tìm kiếm bằng tiếng Việt, thì chúng ta đã lỡ mất đa số những thông tin hữu ích đang chờ chúng ta. (Điều này không áp dụng nếu bạn chỉ tìm kiếm những thông tin mà chỉ có trong tiếng Việt, ví dụ như tìm kiếm thông tin về kiến thức trong SGK).

Vì thế, việc có khả năng sử dụng tiếng Anh sẽ là một lợi thế vô cùng lớn trong việc tự học. Không những thế, nó ngày càng trở nên thiết yếu cho việc tự học, bởi lẽ chúng ta đang ở trong giai đoạn phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ, của sự bùng nổ kiến thức và thông tin toàn cầu.

Quả thật, nếu một ai đó nói là họ tự học là chủ yếu, và những mảng họ học không đặc thù chỉ có trong tiếng Việt hay ở Việt Nam, thì nhiều khả năng bạn cũng sẽ thấy là những bạn đó có khả năng đọc hiểu hay nghe hiểu tiếng Anh.

Có thể những người đó không phải thật sự giỏi tiếng Anh, mà có thể nói là chỉ biết “tiếng Anh bồi”, nhưng trên khía cạnh phục vụ cho việc tự học, chừng đó cũng là rất có ích.
(Và qua thời gian dài tiếp xúc với tiếng Anh, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu những người này ngày càng giỏi tiếng Anh hơn; mà không những là tiếng Anh học cho vui, mà là tiếng Anh dùng được!)

Nếu bạn thật sự muốn phát triển khả năng tự học của mình, hi vọng rằng mục này đã giúp bạn nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh trong việc phát triển kiến thức nói chung. Việc đọc hiểu và nghe hiểu được tiếng Anh là một khả năng nền tảng để tiếp cận kiến thức của tất cả các mảng khác.

Việc đọc hiểu và nghe hiểu được tiếng Anh là một khả năng nền tảng để tiếp cận kiến thức của tất cả các mảng khác. 

Và có lẽ, đó là một trong những lí do quan trọng nhất để học tiếng Anh?

Biết điều chỉnh cách học cho phù hợp với phong cách của mình

Biết điều chỉnh cách học cho phù hợp với phong cách của mình

Việc có thể điều chỉnh được cách học cho phù hợp với phong cách, tính cách của mình thật ra là một lợi thế, một lợi thế lớn của việc tự học.

Khi ở trong một lớp học, sẽ khó để bạn có thể yêu cầu giáo viên dạy theo cách phù hợp với bạn (và cũng không thực hiện được, vì các bạn khác có thể thích học theo cách khác).

Nhưng khi tự học, bạn có thể chủ động điều chỉnh cách mình tiếp cận kiến thức cho phù hợp với phong cách học của mình. Ở đây, chúng ta sẽ đề cập 2 khía cạnh mà tôi nghĩ là quan trọng hàng đầu đối với việc tiếp nhận kiến thức:

  1. Lựa chọn tài liệu ở dạng phù hợp với việc tiếp thu của bạn (sách báo, audios, videos …)
    • Mặc đù tiếp cận kiến thức dưới dạng đọc là cách nhanh nhất, đừng để nó cản trở bạn nếu bạn nhận thấy rằng mình có thể tiếp thu kiến thức nhanh hơn bằng cách xem videos, nghe audios hay các hình thức khác. Khi tự học, bạn là người đưa ra quyết định đâu là cách học tối ưu cho mình.
  2. Biết phong cách học chủ đạo của mình và biết cách thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh
    • Theo mô hình của David Kolb, có 4 phong cách tiếp nhận và áp dụng kiến thức. Bạn tìm hiểu thêm chi tiết ở bài viết này: 4 phong cách học theo mô hình của Kolb. Khi bạn nhận ra được các tiếp thu và xử lí thông tin của mình, bạn sẽ tự “ngộ ra” nhiều điều rất bổ ích giúp cho việc tự học của bạn.

Trước khi kết thúc phần này, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nói thêm về nguồn tài liệu có sẵn cho những cách tiếp thu kiến thức khác nhau.

  • Cách tiếp cận kiến thức thông qua hình thức đọc (giống như bạn đang đọc bài viết này) là cách tiếp cận phổ biến nhất, và vì thế có nhiều tài liệu nhất. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thông tin và kiến thức hay dưới dạng audios (ví dụ như Amazon có audio books) hay videos (Youtube và các trang tương tự).
  • Nếu cách tiếp cận kiến thức của bạn khác với số đông, bạn sẽ có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu phù hợp. Khi đó, tôi nghĩ là bạn sẽ phải cố gắng để có thể học thông qua các hình thức khác mà bạn không mạnh. Đồng thời, bạn có thể tìm hiểu, phát triển thêm các tài liệu và chia sẻ với những bạn có cùng phong cách học như bạn.

Phát triển khả năng tự học của bản thân

Như chúng ta đã biết ở phần ở trên, tự học đòi hỏi khả năng phân tích, đánh giá và tổng hợp kiến thức.

Đây là một kỹ năng “nền”, khác với một kỹ năng cụ thể như nói tiếng Anh, đá banh hay đánh đàn. Những kỹ năng nền tảng này có thể áp dụng được vào việc học tất cả các kỹ năng khác.

Để phát triển khả năng này đòi hỏi nhiều thời gian và những sự phân tích, nghiên cứu sâu sắc vượt khỏi phạm vi của bài viết này. Tôi hi vọng sẽ có dịp trở lại vấn đề này trong tương lai.

Tuy nhiên, hiện nay có một cách mà tôi nghĩ là sẽ hữu ích cho việc phát triển khả năng tự học vì nó có thể được áp dụng hằng ngày, và vì thế sẽ có thể tạo ra hiệu quả cho chúng ta.

Giải phóng và phát huy sự tò mò của bạn

Giải phóng và phát huy sự tò mò của bạn

Sự tò mò là nguồn gốc của của thắc mắc, của các câu hỏi. Sự tò mò rất dễ thấy ở các đứa trẻ.

Nhưng theo thời gian, sự tò mò của chúng ta đã không được khuyến khích nên nó đã tắt ngúm, như một ngọn lửa bị dập tắt.

Và một hệ quả nghiệm trọng, mặc dù có thể chỉ là vô tình, của việc này là nó cũng làm mất đi khả năng tự học của chúng ta. Bởi lẽ:

  • Nếu chúng ta không tò mò khi tiếp nhận một thông tin mới, chẳng có gì đề chúng ta phải hỏi, phải thắc mắc.
  • Mà nếu không có gì để thắc mắc thì có gì để phân tích, để tổng hợp, để mà tìm tòi?

Trên khía cạnh phát triển khả năng phân tích, đánh giá và tổng hợp kiến thức, sự tò mò chính là nền tảng quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ, khi một người tò mò, gặp phải một thông tin mới, người đó sẽ “tự động” kích hoạt một loạt câu hỏi như:

  • Sao phần này trong mẫu thông tin có vẻ không hợp lí với những gì mình đã biết nhỉ?
  • Vì sao chỗ này người ta lại nói như vậy nhỉ?
  • Liệu chỗ này có đúng không nhỉ? Dựa vào đâu mà có kết luận này?

Như vậy, bạn có thể thấy, sự tò mò là khởi nguồn kích hoạt những câu hỏi giúp chúng ta tăng cường khả năng nhận định, đánh giá thông tin cũng như tích hợp với những kiến thức chúng ta đã biết.

Nếu bạn có thể dành ra chỉ 10s ngay lúc này, sẽ không khó để bạn tưởng tượng ra khả năng phân tích và tổng hợp kiến thức của bạn sẽ nhanh nhạy và sắc bén như thế nào một khi bạn thường xuyên đặt những câu hỏi như thế?!

Không có câu hỏi, sẽ không có câu trả lời. Không có thắc mắc, vì thế, sẽ không có việc học hỏi.

Ngược lại, khi bạn tò mò, khi bạn thường xuyên đặt câu hỏi thì ai sẽ trả lời cho những câu hỏi đó của bạn?

Thỉnh thoảng, sẽ là một số đồng nghiệp, thầy cô, bạn bè, hay người quen của bạn.

Nhưng đa phần, đó là bạn và Google. Là bạn tham gia vào quá trình tự học.

Khuyến khích sự tò mò của người khác

Khuyến khích sự tò mò của người khác

Tất cả chúng ta đều tò mò và đồng thời là người dập tắt sự tò mò của người khác.

Để người khác có thể đặt câu hỏi đồng nghĩa với việc chúng ta phải cởi mở và nhiệt tình khi người khác đặt câu hỏi. Ít ra, là đừng khiến cho họ không còn muốn hỏi.

Ngay cả khi chúng ta đang bận không muốn trả lời, hay không biết câu trả lời, có lẽ chúng ta chỉ cần gửi người đó đến với Google.

Nó có thể chỉ đơn giản như: Bố/Mẹ/Thầy/Cô/Tôi chưa hiểu rõ về việc này / đang bận. Liệu bạn có thể tự tìm hiểu và chia sẻ với tôi khi bạn có thêm thông tin?

Tự học và học với giáo viên: tuy 2 mà 1

Khi nói về tự học, chúng ta thường liên tưởng đến cảnh một mình cùng google hoặc một mình ôm một cuổn sách.

Tuy không có giáo viên trực tiếp dạy chúng ta, sách hay các trang Web chính là “giáo viên” của chúng ta. Nếu không có sách hay các tài liệu online thì không thể nào chúng ta tự mình biết được các kiến thức mới.

Những sự tương đồng

Như vậy, nếu chúng ta hiểu rộng ra khái niệm “giáo viên” thì tự học hay các học truyền thống với giáo viên dạy trực tiếp đều giống nhau ở những điểm sau:

  • Cả hai đều cần “giáo viên”
  • Cả hai đều có hiệu quả dựa chủ yếu vào nổ lực của học viên

Và đó là lí do mà tôi nghĩ là: sau cùng, mọi cách học đều cần khả năng tự học.

Sau cùng, mọi cách học đều cần khả năng tự học

Nếu phân tích thêm, chúng ta sẽ thấy là tự học và học với giáo viên trực tiếp đều đòi hỏi những quá trình như nhau. Ví dụ như:

  • Xác định mục tiêu: Mục tiêu học và cái cần học đều là do bạn lựa chọn và quyết định (như ngành học, trường học, môn học ngoại khóa, …) dù cho bạn tự học hay học với giáo viên.
  • Phân tích thông tin: ngay cả khi tự học và học với giáo viên, chúng ta đều thực hiện quá trình này để đạt được một kết quả tốt: thông tin trên mạng hay từ giáo viên đều cần có sự lập luận và bằng chứng để có thể tin tưởng được.
  • Tổng hợp thông tin: Thông tin truyền đạt từ “giáo viên” (nghĩa rộng) có vào được kho kiến thức của chúng ta hay không phụ thuộc phần lớn vào chúng ta.

Những lợi thế của việc có giáo viên trực tiếp

Những lợi thế của việc có giáo viên trực tiếp

Khi học kèm với một giáo viên thật ngoài đời, chúng ta có những lợi thế hơn so với việc Google. Những lợi thế đáng kể đến khi chúng ta có thể tiếp cận một người giỏi hơn chúng ta là:

Có được câu trả lời ngay lập tức 

Việc có được câu trả lời ngay lập tức vừa là một điểm tốt nhưng cũng có những điểm hạn chế của nó: ví dụ như nó khiến chúng ta lười biến việc tự tìm kiếm thông tin và tạo ra thói quen ỷ lại, phụ thuộc.

Với trình độ cơ bản, giáo viên có thể cung cấp câu trả lời cho bạn. Nhưng khi bạn đã lên một trình độ cao, khi mà trình độ của bạn đã tiệm cận trình độ của giáo viên, thì lợi thế này sẽ không còn. Khi đó bạn vẫn cần tự mình tìm kiếm thông tin ở Internet.

Học với giáo viên trực tiếp sẽ là một lựa chọn tốt khi bạn mới bắt đầu học một kiến thức hay kỹ năng nào đó. Đến khi trình độ của bạn đạt đến mức cao, bạn vẫn sẽ phải tự học nếu bạn muốn tiếp tục phát triển.  

Có được câu trả lời đáng tin cậy

Độ tin cây của câu trả lời, như chúng ta đã nói ở trên, sẽ tùy thuộc vào chất lượng giáo viên, cũng giống như khi bạn tự học: phụ thuộc vào chất lượng của các trang web và dịch vụ bạn sử dụng.

Giáo viên thường có đào tạo & kinh nghiệm rõ ràng nên thường tạo ra sự tin cậy cao hơn. Khi bạn học trên mạng, thông tin rất nhiều và không phải ai cũng có kinh nghiệm: điều này cũng vừa có cái hay trong việc đa dạng thông tin, nhưng nó sẽ khiến cho nhiều bạn chọn nhầm những nguồn thông tin không đáng tin cậy.

Tạo được động lực mạnh mẽ hơn

Một giáo viên tốt và tận tâm sẽ tạo ra một động lực, hay thỉnh thoảng là áp lực, hiệu quả hơn so với khi bạn tự học, đặc biệt là với các bé hay các bạn học sinh. Ảnh hướng tích cực của người thầy giáo, cô giáo với các bạn trẻ là vô cùng lớn trong việc hình thành sự thích thú với môn học.

Ảnh hướng tích cực của người thầy giáo, cô giáo với các bạn trẻ là vô cùng lớn trong việc hình thành sự thích thú với môn học. 

Như vậy, phần này cho chúng ta thấy được rằng học với giáo viên trực tiếp sẽ là một lựa chọn tốt khi bạn mới bắt đầu học một kiến thức hay kỹ năng nào đó. Nhưng đến khi trình độ của bạn đạt đến mức cao, bạn vẫn sẽ phải tự học nếu bạn muốn tiếp tục phát triển.

Một ưu điểm đặc biệt của việc đến lớp

Một ưu điểm đặc biệt của việc đến lớp

Khi chúng ta đến lớp học thì chúng ta có giáo viên trực tiếp và bạn bè.

Về khía cạnh giáo viên, trong một lớp học nhiều người chúng ta tất yếu sẽ không có nhiều thời gian trao đổi với giáo viên như khi học kèm.

Nhưng đổi lại, chúng ta có được một điều khác vô cùng quý giá: đó là việc có bạn bè.

Bạn bè không phải là những người hơn hẳn chúng ta như giáo viên, nhưng họ là những người chúng ta tiếp xúc thường xuyên trong quá trình học. Ảnh hưởng của bạn bè lên chúng ta là rất lớn, và chúng ta cũng học được rất nhiều từ bạn bè: từ kiến thức, cách suy nghĩ đến quan điếm sống.

Bạn bè là những người vui chơi với chúng ta và những mối quan hệ này có thể kéo dài và phát triển ra khỏi giới hạn của trường lớp. Nhờ đó mà chúng ta có thêm các mối quan hệ trong cuộc sống.

Bạn bè là những người vui chơi với chúng ta và những mối quan hệ này có thể kéo dài và phát triển ra khỏi giới hạn của trường lớp. Nhờ đó mà chúng ta có thêm các mối quan hệ trong cuộc sống. 

Trong thời đại ngày này, chúng ta hoàn toàn có thể làm quen với bạn bè online hay qua các mạng xã hội. Tuy nhiên, liệu những tương tác này có thể thay thế được hoàn toàn những tương tác trực tiếp hay không là một câu hỏi lớn về văn hóa và xã hội của thời đại mà chúng ta chưa biết trước được.

Còn hiện nay, tôi vẫn nghĩ là các tương tác online sẽ mang tính bổ trợ chứ chưa thay thế được các tương tác trực tiếp ngoài xã hội trong việc hình thành các mối quan hệ gắn kết.

Vai trò của người thầy trong thời đại mới

Về vai trò của thầy cô giáo trong thời đại mới

Đến đây, chúng ta đã thấy được những lợi ích to lớn của việc tự học. Và có thể nói, chuyển dịch sang tự học là một xu thế tất yếu của một xã hội ngày càng phát triển.

Vậy thì đâu là vai trò của giáo viên trong quá trình này?

Tôi nghĩ vai trò của giáo viên, trong xu thế tất yếu ở trên, là giúp cho việc này diễn ra được trọn vẹn hơn và cũng đồng thời nâng vai trò của mình lên một tầm cao mới.

Một cách cụ thể, tôi nghĩ vai trò của giáo viên hiện nay và trong tương lai sẽ là:

  • Dần dần bớt đi việc truyền tải kiến thức mà đề cho học viên chủ động hơn trong việc tự học.
  • Giúp học viên hình thành những kỹ năng cần thiết để có thể tự học được hiệu quả, như đã đề cập ở trên.

Và kế đến, vai trò quan trọng nhất, tầm cao mới của giáo viên trong thời đại ngày nay là:

  • Khơi dậy sự thích thú về môn học mà mình giảng dạy trong mỗi học viên.
  • Tạo ra ấn tượng và cảm xúc tích cực cho người học đối với việc học nói chung.

Bởi lẽ, học tập là một quá trình trọn đời.

Và vì chúng ta không thể dạy một người nào đó trọn đời, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nuôi dưỡng trong người học sự hứng thú và niềm say mê học hỏi.

Vì chúng ta không thể dạy một người nào đó trọn đời, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nuôi dưỡng trong người học sự hứng thú và niềm say mê học hỏi. 

Kết lại

Để tự học được hiệu quả chúng ta cần xác định mục tiêu học cụ thể và sau đó biết cách chia nhỏ mục tiêu thành các kỹ năng thành phần.

Những kỹ năng nền tảng quan trọng cho việc tự học là:

  • Kỹ năng phân tích, đánh giá thông tin, kiến thức
  • Kỹ năng tổng hợp kiến thức
  • Kỹ năng đọc hiểu hay nghe hiểu thông tin viết bằng tiếng Anh
  • Khả năng tự nhận thức được phong cách học của bản thân để điều chỉnh cách học cho phù hợp

Ở trên, chúng ta cũng thấy rằng việc phát triển khả năng tự học là một quá trình lâu dài, tích lũy theo thời gian. Nó cũng giống như kiến thức là một kho tàng vô hạn mà chúng ta tích lũy, cập nhật thêm theo thời gian chứ không có một giới hạn nào gọi là đủ để dừng lại.

Trong kỷ nguyên mới, vai trò của giáo viên sẽ có sự biến chuyển, từ việc nặng về truyển tải kiến thức sang việc khơi dậy niềm đam mê, thích thú với việc học và trang bị cho học viên những kỹ năng cần thiết để có thể tiếp tục quá trình học tập trọn đời.

 

To receive auto email updates about new posts, please register using this form:

Spread the love
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments