Gần đây, tôi có một quan sát mới mà trước đây tôi ít khi để ý, đó là về vai trò của trí nhớ trong việc học. Trong bài chia sẻ này, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ hiện nay của tôi về chủ đề này.
Khi học, chúng ta hiểu hay nhớ?
Trước đây, quan điểm của tôi là một khi chúng ta hiểu một vấn đề gì đó thật sự, chúng ta sẽ không cần phải nhớ. Sự hiểu “tự nó” sẽ giúp chúng ta nhớ mà không đòi hỏi chúng ta phải dành thời gian để học thuộc nó.
Tuy nhiên, gần đây khi mà tôi nhận thấy rằng mình bị “quên” một số điểm mà tôi cho là mình đã thật sự hiểu, thì tôi bắt đầu nghi ngờ quan điểm ở trên. Có thể nào hiểu là một chuyện, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào trí nhớ?
Việc hiểu và nhớ trong ngắn hạn
Khi chúng ta cảm thấy mình đã “hiểu” một điều gì đó, thông thường nó có nghĩa là: nếu ngay tại thời điểm đó hoặc một thời gian ngắn sau đó (thường là trong khoảng vài ngày) nếu chúng ta tự hỏi mình lại về vấn đề đó, chúng ta sẽ thấy là mình vẫn có thể nêu lại những điểm đó, giải thích nó.
Vấn đề nảy sinh là: sau một vài tháng hoặc một vài năm, tình cờ chúng ta cần sử dụng lại kiến thức đó thì tự nhiên thấy mình “bị quên”. Vậy lẽ nào tôi đã chỉ nhớ mà không hiểu?
Khi ngẫm lại về vấn đề này, hiện nay tôi nghĩ như thế này: tại thời điểm đó chúng ta đã hiểu và nhớ (trong ngắn hạn). Tuy nhiên dấu hiệu này không thể đảm bảo cho việc chúng ta sẽ nhớ nó trong dài hạn.
Hiểu là một quá trình
Gần đây tôi bắt đầu cảm nhận được rõ hơn rằng trong hầu như mọi vấn đề, cho dù nó có vẻ đơn giản như thế nào đi nữa, thì chúng ta đều có thể hiểu về vấn đề đó một cách sâu sắc hơn.
Nói cách khác, việc hiểu là một quá trình liên tục tiếp xúc, chắt lọc, suy ngẫm, học hỏi, …
Và vì thế, sẽ rất khó để nói hiểu hay không hiểu như 2 thái cực trắng đen. Mà chính xác hơn là hiểu nhiều hay ít, hiểu đến mực độ nào. Giống như câu nói “Không ai đọc một cuốn sách hai lần”: vì lần sau khi chúng ta đọc lại, nhận thức, trình độ, quan điểm, … của chúng ta đã thay đổi, và vì thế chúng ta có thể sẽ thấy ở cùng một câu chữ đó một tầng ý nghĩa mới mà chúng ta đã không thấy ở những lần đọc trước.
Cách để nhớ lâu hơn?
Như đã trình bày ở trên, cách duy nhất để có thể tiếp tục nhớ và hiểu là tiếp tục học, tìm hiểu về những vấn đề đó.
Khi chúng ta đã tìm hiểu về nhiều khía cạnh của vấn đề, có đủ trải nghiệm, có đủ thời gian, thì kiến thức đó đã được kết nối với nhiều kiến thức khác của chúng ta, tạo nên một “mạng lưới kết nối” kiến thức đó với những kiến thức khác (như một mạng neuron trong máy học), giúp nó khỏi bị “tuột” ra khỏi trí nhớ của chúng ta. Nói một cách hình tượng là vậy.
Và để tạo ra nhiều sự kết nối như vậy với những gì chúng ta đã biết, chúng ta sẽ cần hiểu rõ kiến thức đó vì sao đã được khám phá, nó cần thiết để giải quyết vấn đề gì, vì sao những kiến thức có sẵn không giải quyết được nó, … Chúng ta không thể trả lời hết những câu hỏi này chỉ trong một thời điểm, vì giới hạn về thời gian, kiến thức, … và đó là lí do vì sao, như tôi vừa nhận ra, học và hiểu là một quá trình liên tục và lâu dài, chứ không phải là một quá trình ngắn hạn như một lớp học hay một khóa học.
Và vì thế, một hệ quả là: chúng ta sẽ chỉ có thể nhớ những mảng kiến thức chúng ta còn sử dụng và tiếp tục phát triển. Tất cả những kiến thức khác rồi sẽ như một dòng nước trôi lãng đi.
(Nếu không để ý, chúng ta sẽ rất dễ tiếp tục lập lại một quá trình mà nhiều trong chúng ta đã trải qua, và có thể là rất nhiều lần: học và quên, học lại và quên lại, …)
Một cách nữa để giúp nhớ lâu hơn là chỉ nhớ những ý tưởng chính, những gì mà chúng ta thấy có ứng dụng, có liên quan đến những mảng kiến thức chính của mình, thay vì cố nhớ những chi tiết cụ thể mà chúng ta chắc chắn sẽ quên.
Một số suy ngẫm tổng quát về giáo dục – Thay cho lời kết
Như vậy, việc phân định hiểu hay không chỉ có ý nghĩa trong việc giúp chúng ta xác định những gì chúng cần tìm hiểu thêm, để từ đó, và qua đó, giúp chúng ta nhớ lâu hơn.
Trong thực tế, việc phân định hiểu hay không thật ra không có nhiều ý nghĩa, và cũng không thể làm được. Cách hay hơn trong quá trình học (và dạy) là tìm cách ứng dụng những gì mình học vào thực tế công việc và cuộc sống. Mục đích cuối cùng luôn là để tạo ra một cái gì đó mới, trên khía cạnh lí thuyết hoặc ứng dụng.
Vấn đề này thật ra còn có một ý nghĩa tôi cho là quan trọng hơn hết: làm thế nào để giúp học sinh, sinh viên phát hiện ra những gì phù hợp với mình để có thể theo đuổi trong lâu dài.
Việc học luôn trước hết là một quá trình tự học, vì rõ ràng chúng ta không thể bắt một ai đó học những gì họ không thích; và nếu bị ép buộc họ sẽ không thể phát triển được (và chắc chắn là phát triển ít hơn nhiều so với khi họ được tự do quyết định học và làm cái phù hợp với mình).
Giáo dục cho các bạn trẻ vì thế nên lấy quá trình tìm kiếm và khám phá làm trọng tâm với mục đích chính là giúp các bạn trẻ khi đạt đến độ tuổi trưởng thành, họ có được những nhận định tương đối về đâu là những ngành nghề, những mảng kiến thức họ sẽ thấy thích thú.
Ở giai đoạn phổ thông, việc học rộng cốt lõi là để phục vụ cho việc tiếp xúc với nhiều môn học để phục vụ quá trình khám phá này. Như vậy, mục tiêu ở đây, theo tôi, là việc được tiếp xúc với nhiều lĩnh vực và ứng dụng của chúng trong công việc sau này. Vì thế nếu những kiến thức phổ thông không đi kèm ứng dụng thực tiễn để giúp học sinh hiểu và khám phá rõ hơn vai trò của những kiến thức đó; hoặc nếu đi quá chuyên sâu không cần thiết (cho đa số các bạn), … thì những cách tiếp cận này sẽ gây khó khăn cho quá trình tự khám phá của học sinh.
Như đã nói ở trên, tất cả những gì không phù hợp với mỗi cá nhân rồi sẽ bị quên lãng, và vì thế chúng ta nên ưu tiên quá trình tìm kiếm cái phù hợp cho học sinh trước khi giới thiệu những kiến thức chuyên sâu không cần thiết nếu họ không theo đuổi lĩnh vực đó.
Nếu bạn là phụ huynh, bạn có thể góp phần giúp các bạn trẻ đạt được mục tiêu này bằng những điều chỉnh mà bạn có thể quyết định được như: không đặt nặng điểm số ở trường và thay vào đó chú trọng vào việc học như là một quá trình khám phá cho nghề nghiệp sau này; tạo điều kiện để con cái bạn có thể tiếp xúc với những kiến thức và kỹ năng không được dạy ở trường nhưng phù hợp với thế mạnh mà bạn thấy ở con mình; …
(Tất nhiên, những việc này sẽ đặt thêm một gánh nặng về thời gian và công sức lên mỗi chúng ta. Theo thời gian, hi vọng điều này sẽ được giải quyết tốt hơn ngay ở trường học thông qua một chương trình học đúng trọng tâm, phù hợp và có tính ứng dụng cao, giúp học sinh có thời gian và điều kiện để khám phá sở thích và thế mạnh của mình.)
Tất nhiên, công việc và nghề nghiệp sẽ tiếp tục thay đổi theo thời gian, chứ không phải là một mục tiêu tìm được rồi thôi, vì sở thích và định hướng của chúng ta sẽ tiếp tục thay đổi theo những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Nhưng ở giai đoạn nào, tôi nghĩ sự phù hợp và niềm đam mê là những nền tảng cần thiết nhất để chúng ta có thể thấy hài lòng về công việc của mình.
Và dưới góc độ là phụ huynh, giáo viên, là những người đi trước, tôi nghĩ việc định hướng và tạo điều kiện để các bạn trẻ có thể phát hiện và phát huy được thế mạnh của mình là một trong những điều có ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể làm được cho họ.
P/s: Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho mình, có thể bạn sẽ quan tâm đến một bài chia sẻ trước đây của tôi về Toán tư duy.
To receive auto email updates about new posts, please register using this form: