Khi nghiệm lại về điểu gì thật sự quan trọng để giúp một người phát triển về bất kì điều gì họ muốn, tôi thấy việc “xem lại trận đấu” là một kỹ năng thiết yếu hàng đầu.
Tất nhiên, trận đấu ở đây không phải là trận đấu bóng, là World cup vừa kết thúc, mà là trận đấu của mỗi chúng ta trong cuộc sống và trong công việc từng ngày.
Lấy ví dụ là việc học một kỹ năng gì đó, một môn học nào đó mới, câu hỏi mà hầu hết những ai đang học là: học như thế nào là hiệu quả nhất?
Nhưng thật tiếc cho người hỏi là đây là một câu hỏi không có một đáp án, mà có nhiều đáp án. Và quan trọng nhất là: đáp án đúng cho bạn chỉ có thể bắt đầu từ chính người đặt câu hỏi đó.
Học hay luyện bất kì một kỹ năng nào đó là việc lặp đi lặp lại 2 bước sau:
- Phát hiện xem bạn đã biết những gì và chưa biết những gì, tại thời điểm hiện nay.
- Tập trung phát triển những mảng kiến thức, kỹ năng bị hỗng.
Như vậy, cách học hiệu quả nhất là một quá trình đánh giá bản thân (bước 1) và luyện tập (bước 2). Nếu không đánh giá đúng, chúng ta sẽ không tập trung vào đúng chỗ cần học trong khi mất thời gian luyện tập những kỹ năng, kiến thức mà chúng ta không yếu.
Khi đi học ở trường lớp hay bất kì đâu, bước 2 là cái được nhấn mạnh: dạy & học một cái gì đó.
Nhưng đã nói ở trên, nếu cái được dạy không phải là cái mà bạn yếu thì nó không hiệu quả với bạn. Có thể nó sẽ hiệu quả với người yếu cái đó, nhưng không phải với bạn.
Vậy làm sao để biết những gì chúng ta đang yếu để tập trung vào đó?
Câu trả lời chính là tiêu đề của bài viết này: Xem lại trận đấu của chính chúng ta, một cách thành thật nhất.
Xem lại trận đấu của chúng ta
Trong quá trình làm việc hay học tập, mỗi chúng ta sẽ có một chuỗi những kết quả. Nếu may mắn, bạn sẽ có thêm phản hồi từ đồng nghiệp và những người khác tương tác với mình.
Xem lại trận đấu của bạn là xem lại những kết quả đó, những góp ý đó, những gì bạn đã làm, đã nghĩ, để rút ra kết luận cho câu hỏi 1 ở trên: bạn đang mạnh và đang yếu những điểm nào?
Quả thật, tất cả những vận động viên chuyên nghiệp đều làm điều này: sau mỗi trận đấu, họ phải xem lại băng ghi hình trận đấu của mình để rút kinh nghiệm và phát hiện những điểm mà họ có thể cải thiện. Và để chuẩn bị thi đấu với một đối thủ mới, họ phải xem ghi hình của đối thủ để phân tích điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ.
Tất nhiên, huấn luyện viên sẽ là người giúp họ cùng thực hiện những bước này. Nhưng trong cuộc sống của chúng ta, huấn luyện viên của chúng ta là ai?
Hầu hết chúng ta không có huấn luyện viên, và vì thế gánh nặng sẽ đặt lên vai của chính mỗi người rằng để phát triển, họ phải xem lại trận đấu của mình.
Khi thường xuyên xem lại trận đấu của mình, chúng ta sẽ dần phát triển khả năng tự nhận thức mà chúng ta sẽ bạn thêm ở phần tiếp theo dưới đây.
Nói thêm về khả năng tự nhận thức (self-awareness)
Khả năng tự nhận thức, tức nhận thức về chính bản thân mình, (tiếng Anh: “self-awareness”; hay trong nghiên cứu về giáo dục thường dùng “metacognition”) là một trong những khả năng quan trọng hàng đầu để chúng ta có thể liên tục phát triển và làm mới bản thân mình.
Kỹ năng của bạn có thể phù hợp với hôm nay, nhưng ngày mai thì chưa chắc. Trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay, không ngừng đổi mới và thích ứng là một tiêu chí tiên quyết hàng đầu để thành công.
Khả năng tự nhận thức thoạt nhiên nghe có vẻ đơn giản, vì về khái niệm nó quả thật đơn giản: nhận biết được những gì mình nghĩ/nói và mình làm, và để ý được sự khác biệt giữa cái mình nói và cái mình làm. Từ đó, đặc câu hỏi vì sao có sự khác biệt đó và cố gắng ngày càng thu hẹp sự lệch pha đó.
Để có thể tự “xem” được hành vi của mình, bạn có thể xem khả năng này giống như có một camera ghi hình lại những gì bạn nghĩ và những gì bạn làm, ở bất kì lúc nào và nơi đâu. Và vì nó được ghi lại, bạn sẽ có thể ý thức được những sự khác biệt, thiếu nhất quán trong cách mình suy nghĩ hay hành động.
Những sự không thống nhất đó không phải là điều gì không tốt hay bất thường, vì ai cũng có vô số những cái đó. Nhưng việc ý thức được những điều đó giúp người sở hữu nó sớm giải quyết được những mâu thuẫn đó để có thể phát triển nhanh chóng hơn.
Một số lợi ích thiết yếu của khả năng tự nhận thức
Trong phần này, tôi sẽ dùng từ “học”, hay “học hỏi” để ám chỉ chung cho sự phát triển, tiến bộ của mọi loại hình: từ việc học tập ở trường lớp, đến việc phát triển các kỹ năng trong công việc hay trong cuộc sống.
Giúp tự học & phát triển
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, văn hóa góp ý thẳn thắn vẫn chưa phổ biến, và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ thiếu đi những nhận xét khách quan thiết yếu về bản thân mình.
Trong sự thiếu vắng đó, khả năng tự nhận thức sẽ giúp bạn tiếp tục phát triển bằng cách hình thành khả năng “tự đánh giá” mình (tiếng Anh: self-evaluation).
Như đã nói ở trên, khả năng tự đánh giá bản thân là vô cùng thiết yếu để có thể tự học hiệu quả, tự phát triển các kỹ năng cần thiết trong công việc và cuộc sống. Theo kinh nghiệm của tôi, khó khăn mà hầu hết các bạn không tự học được phần lớn bắt nguồn tự việc họ chưa phát triển khả năng tự nhận thức để có thể tự đánh giá được là mình đã biết và chưa biết cái gì đối với mảng kiến thức mà họ muốn học.
Một lợi thế nữa của khả năng tự nhận thức là một khi chúng ta biết tự đánh giá chính mình, chúng ta sẽ ngày càng dựa nhiều vào những đánh giá và ý kiến của chính mình hơn là dựa dẫm vào việc để người khác suy nghĩ thay mình.
Giúp hình thành “tư duy phát triển”
“Tư duy phát triển” được dịch từ một khái niệm trong tiếng Anh có tên là “growth mindset”, được phát triển bởi nhà nghiên cứu tâm lí học Carol Dweck. (Bạn có thể xem video của tác giả về đề tài này ở đây.)
Tư duy phát triển nó ngược lại với niềm tin vào sự hữu hạn và cố định của bản thân. Tư duy hữu hạn nói rằng: nếu hôm nay tôi là vậy, tôi sẽ mãi là vậy; tôi sẽ không trở nên khác được.
Như bạn có thể thấy, nếu không tự nhận thức được bản thân và thấy được sự lệch pha và thiếu nhất quán trong suy nghĩ và hành động của mình, chúng ta sẽ không biết, không ý thức được chúng để điều chỉnh. Và nếu không có sự điều chỉnh gì, thì tôi sẽ tiếp tục sống theo quán tính có sẵn và qua thời gian nó sẽ cũng cố tư duy hữu hạn, cũng cố niềm tin rằng tôi không thể phát triển vượt ra khỏi những gì tôi mấy lâu nay vẫn vậy.
Khả năng tự nhận thức, do đó, giúp chúng ta liên tục có được những sự điều chỉnh, dù lớn hay nhỏ, và theo thời gian chúng ta sẽ tự thấy được rằng thay đổi và tiến triển thật chất là có thể, mặc dù có thể là một quá trình không dễ dàng.
Một điều cần lưu ý là người có tư duy phát triển thường so sánh sự phát triển đó dựa trên chính bạn thân mình, chứ không so sánh với người khác; bởi vì họ hiểu rõ rằng phát triển nghĩa là tôi hôm nay có sự tiến triển so với tôi hôm qua, so với tôi tuần trước, …
Tư duy phát triển không phải chỉ dành cho “người có năng lực”, mà dành cho tất cả mọi người với các mức năng lực khác nhau, bởi lẽ điều quan trọng không phải là hiện nay tôi đang ở đâu (tức năng lực của tôi hiện nay), mà 3 năm nữa, 5 năm nữa tôi có tiến bộ hơn tôi ngày hôm nay hay không, đó mới thật sự là câu đáng để tự hỏi.
Việc thường xuyên so sánh với người khác, hay tính quá cạnh tranh, thường là biểu hiện của một hỗn hợp phức tạp gồm nhiều thành phần, trong đó có tham vọng và tính ganh tỵ, nhưng chưa hẳn là có tư duy phát triển.
Có thể nói, sở hữu tư duy phát triển là một dấu hiệu đặc biệt rõ nét của những người muốn vươn lên và hoàn thiện mình, và khả năng tự nhận thức là cái giúp hình thành và củng cố tư duy đó.
Giúp chúng ta hiểu hơn về chính mình
Qua quá trình sống và làm việc, một người với khả năng tự nhận thức tốt sẽ ngày một hiểu hơn về bản thân mình, về điểm mạnh và điểm yếu của họ.
Khi lắng nghe được bản thân mình (tức có khả năng tự nhận thức về chính mình), thì chúng ta sẽ bắt đầu xâu chuỗi được câu trả lời cho những vấn đề như:
- Vì sao tôi hào hứng với việc này nhưng không với việc kia?
- Vì sao tôi hay mắc lỗi này, nhưng ít khi mắc lỗi kia?
- Vì sao tôi có những niềm tin này, nhưng những người khác lại không?
- Vì sao trước đây tôi lại tin vào những điều này và bây giờ thì không? Hay ngược lại, vì sao trước đây tôi không tin những điều này nhưng bây giờ thì có?
- …
Khi chúng ta ngày càng hiểu rõ về mình, chúng ta sẽ có khả năng suy xét và đưa ra những lựa chọn phù hợp cho mình – và đó là nền tảng cho một cuộc sống mà bạn sẽ thấy là có mục đích và ý nghĩa, với bạn.
Một cuộc sống như vậy sẽ thường tạo ra nhiều năng lượng cho chính người đó và giúp họ có thể tạo ra nhiều kết quả, hơn nhiều so với khi họ không làm đúng cái phù hợp với họ.
Lời kết
Khả năng tự nhận thức là một khả năng, kỹ năng thiết yếu cho quá trình tự học và phát triển của mỗi người.
Khả năng này cho phép chúng ta so sánh, đối chiếu kiến thức và hành vi của mình để có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp, giúp mỗi người có thể định hướng được sự phát triển bản thân mình, và trong quá trình đó giúp chúng ta không ngừng khám phá ra và định nghĩa lại đâu mới là phiên bản tốt nhất mà người đó muốn trở thành.
To receive auto email updates about new posts, please register using this form: