Internet of Things (IoT)

Internet của mọi vật (IoT) sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta

Internet of Things là gì?

IoT (Internet of Things – Internet của vạn vật) là từ dùng để chỉ đến việc (hầu hết) mọi vật trong thế giới của chúng ta sẽ kết nối vào Internet.

Khi hầu hết mọi vật, từ dụng cụ nhà bếp, phòng tắm, các dụng cụ giải trí, đến các thiết bị trên đường phố, các nhà máy, nông trại, … đều kết nối vào Internet, và do đó sẽ kết nối với nhau, chúng ta sẽ sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Một thế giới tốt hơn, đúng. Nhưng đó cũng là một thế giới sẽ hoàn toàn khác với hiện nay.

Đó là lí do vì sao tôi nghĩ bất kì ai cũng nên biết về IoT, và đó là mục tiêu của bài viết này. Dù muốn hay không, IoT sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên thuận tiện hơn; nhưng đồng thời, nó cũng sẽ đòi hỏi nhiều thay đổi đáng kể về cách nghĩ và lối sống.

IoT hoạt động dựa trên công nghệ gì?

Công nghệ khiến cho IoT trở thành một hiện thực là sensors: cảm biến. Cảm biến là những vi mạch rất nhỏ có khả năng đo lường những thay đổi trong thế giới vật lí của chúng ta (như thay đổi về nhiệt độ, âm thanh, tốc độ, lực, vị trí, …).

Những thay đổi mà những sensor đó đo đạt được sẽ được truyền về một hay nhiều những trung tâm xử lí (các máy tính) để có thể đưa ra các quyết định mới, cập nhật việc vận hành của chính sensor đó hay của các sensor khác trong cùng mạng lưới.

Những cảm biến này có thể được gắn vào bất kì vật gì trong thế giới của chúng ta. Và kết quả của việc tích hợp này là sự ra đời của Internet of Things: Internet của vạn vật.

Cuộc sống của chúng ta sẽ “đảo lộn” như thế nào?

IoT thật ra không phải là một khái niệm hoàn toàn mới. Việc máy tính hay smartphone có thể kết nối với Internet là một chuyện đã trở nên khá quen thuộc. Việc các dụng cụ khác cũng sẽ kết nối vào Internet, do đó, là một ý tưởng không đến nỗi quá mới.

Nhưng tác động của nó lên cuộc sống của chúng ta sẽ rất lớn, bởi vì chúng ta sẽ không chỉ có thêm một vài thứ kết nối vào Internet, mà là hầu hết mọi thứ. Và chúng sẽ “nói chuyện” với nhau!

 

Internet of Things (IoT)
Internet of Things (IoT), ảnh từ Google Image

Để dễ hiểu nhất, hãy lấy một ví dụ liên quan đến ngôi nhà của chúng ta. Trong một ngôi nhà thông minh (smart home) – ngôi nhà mà trong đó hầu hết mọi thứ trong nhà được kết nối vào Internet – đây sẽ là cuộc sống mới đang chờ đón bạn:

  1. Đồng hồ báo thức sẽ biết là hôm nay bạn có 1 cuộc họp sớm, nhờ vào việc nó check được Google Calendars của bạn, nên sẽ rung chuông sớm vào lúc 5h30 thay vì 6h như mọi ngày.
  2. Như thường ngày, bạn bấm hoãn 10p nữa nhắc lại. Nhưng do đây là cuộc họp quan trọng, hệ thống điều khiển của căn nhà bạn biết nó cần làm gì: nó sẽ báo cho dàn loa trong phòng bạn để bắt đầu chơi nhạc ầm ĩ, báo cho hệ thống đèn mở đèn sáng lên. Thế là bạn đành phải dậy.
  3. Biết là bạn dậy, cửa & đèn phòng tắm sẽ tự mở cho bạn. Hôm đó trời lạnh nên hệ thống điều hòa nước cũng đã bật lên ở mức mà bạn thường dùng.
  4. Sau đó, bạn vào phòng bếp ăn sáng. Khi đó, không những cửa đã mở, đèn đã sáng, mà tủ lạnh cũng đã giảm nhiệt độ cho món nó đoán là bạn sẽ ăn trong sáng nay. Ấm nước cũng đã tự bật nấu và đã có nước sôi cho bạn.
    • Nếu trong nhà bạn có thêm một cô giúp việc tên là Mary, một robot thông minh, thì có lẽ bạn sẽ không cần phải nấu gì vì Mary đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cho bạn khi bạn bước chân vào nhà bếp.
  5. Ăn xong, bạn lái xe đi làm. Cửa nhà tự mở & say “Have a nice day. Goodbye!”. Sau đó nó tự đóng và khóa lại. Tất cả đèn hay các thiết bị bạn không cần dùng sẽ được tự động tắt đi.

Cuộc sống của bạn lúc đó sẽ khác nhiều chứ?

Khi nào IoT sẽ trở thành hiện thực?

Theo Gartner, công ty nghiên cứu thị trường công nghệ, trong năm 2015 đã có 4.5 tỷ vật trong IoT và trong năm 2016 sẽ tăng 30% lên thành 6.4 tỷ vật (“vật”, như đã nói ở trên, bao gồm mọi thứ, trong đó có các máy tính và smartphones là phổ biến nhất hiện này).

Vào năm 2020, dự đoán sẽ có 20 tỷ vật kết nối vào Internet. Như vậy chỉ trong vòng 4 năm nữa, hầu hết các thiết bị thông dụng sẽ kết nối vào IoT nhờ vào sensors: ti vi, tủ lạnh, lò nướng, máy giặt, bồn tắm, điều hòa, …

Công nghệ về cảm biến đang có những bước tiến mạnh mẽ, giúp giảm kích thước các cảm biến và đồng thời tăng khả năng đo lường và xử lí của chúng lên gấp nhiều lần (Cũng giống như máy tính vào những năm 1980s to bằng kích thước của cả căn phòng, giờ thì smartphone của chúng ta nằm trong lòng bàn tay, và xử lí nhanh gấp nghìn lần).

Như thế số lượng những vật có thể được gắn sensor để tham gia vào IoT sẽ tăng lên theo cấp số nhân trong vòng 15 năm tới. Và chúng ta sẽ thấy IoT đi vào cuộc sống trước năm 2030.

Tác động của IoT lên nền kinh tế

IoT với các cảm ứng của nó sẽ đi vào “vạn vật”, và sẽ cải thiện năng xuất và quy trình làm việc cho tất cả các ngành công nghiệp. Theo dự đoán của Cisco, thị trường IoT toàn cầu sẽ đạt khoản 14.4 trillion (tỉ tỉ) USD vào năm 2022.

Ứng dụng của IoT là bất tận. Nếu mọi thứ đều được gắn cảm ứng thì rất nhiều điều trước đây không thể sẽ trở thành có thể.

Tôi hi vọng sẽ tìm hiểu và chia sẽ thêm nhiều ví dụ của IoT trong một bài viết khác. Nhưng trước hết, hãy để cho trí tưởng tượng của bạn…bay bổng!

Những “hệ lụy” của IoT

Với việc các thiết bị cảm ứng có mặt khắp mọi nơi và kết nối với nhau, tất cả những hoạt động của chúng ta đều được ghi nhận và lưu trữ ở đâu đó. Và “tất cả” ở đây thật sự nghĩa là …tất cả!

Ngoài chủ nhân của nó, ai sẽ có thể truy cập những giữ liệu đó? Làm sao để đảm bảo điều đó?
(Mà thế nào gọi là “chủ nhân” của một dữ liệu: người xuất hiện trong dữ liệu hay là người quản lí hệ thống IoT đó?)

Điều gì sẽ xảy ra với những thông tin riêng tư của chúng ta? Liệu khi đó khái niệm “riêng tư” có còn tồn tại?

Đó là một số trong những câu hỏi chúng ta phải trả lời trước khi IoT đi vào cuộc sống. Và chúng ta chỉ có khoảng 15 năm để tìm ra một lời giải hợp lí.

 

To receive auto email updates about new posts, please register using this form:

Spread the love
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments