2018: Quyết tâm “Mới” – nhưng có “Thật”?

Mỗi lần năm mới đến là lúc chúng ta lên lịch những quyết tâm mới, những “new year resolutions”. Và không phải là ngoại lệ, năm nay tôi cũng có những quyết tâm cho 2018.

Một trong những quyết tâm mới của tôi trong năm 2018 là blog nhiều hơn, cũng như chia sẻ thường xuyên hơn những thông tin ngắn trên tường Facebook của tôi.

(Tôi bị thuyết phục bởi quan điểm rằng việc viết thường xuyên có 2 điểm thật sự tốt. Một là viết ra những suy nghĩ của mình là một cách hay để  chia sẻ những thông tin, kiến thức có ích – và việc chia sẻ thông tin thoải mái và liên tục là cần thiết cho một xã hội phát triển. Và thứ hai, đây là một cơ hội để tôi tập diễn đạt những ý tưởng của mình một cách rành mạch và rõ ràng.)

Why not be more Awesome in 2018?

Có hai việc làm nền cho những ý tưởng của bài viết này. Một là khi tôi viết ra những quyết tâm mới cho 2018, tôi thấy có nhiều điểm trong danh sách đó đã từng nằm trong danh sách của 2017, 2016 và thậm chí là ở 2014!

Sự kiện thứ hai là cũng trong giai đoạn nay tôi xem nhiều những bài chia sẻ của giáo sư tâm lí học Jordan Peterson, một người gây ấn tượng ngay khi tôi xem video đầu tiên của ông. (Và khi bạn tìm thấy một người như vậy, bạn cảm thấy thật tuyệt vời).

Về phía bạn, có khi nào bạn thấy mình đặt ra một quyết tâm, có cố gắng để hiện thực nó nhưng sau một thời gian lại thôi? Không phải thôi theo khía cạnh nó quá khó nên bạn chưa đạt được, mà có vẻ như bạn chỉ đơn giản là … không thích làm những việc đó nhiều như bạn nghĩ?

Trong danh sách những quyết tâm của năm mới, tôi luôn có những mục tiêu về sức khỏe: ví dụ như tập thể dục, thể thao điều đặn 3 – 5 lần mỗi tuần; giữ cho người luôn khỏe mạnh. Đây là một mục tiêu mà hầu như chưa năm nào tôi bỏ lỡ.

Việc đó là một mục tiêu có ích cho tôi trong cuộc sống là một động lực thật sự. Nhưng ngẫm lại dường như đó chỉ là một sự tình cơ hơn là một động lực chính. Cái động lực chính và dài lâu là việc đó là một mục tiêu phù hợp với bản thân tôi: tôi thật sự coi trọng việc giữ gìn sức khỏe và tôi cảm thấy hào hứng khi được thể dục, thể thao, chứ không phải tôi chỉ giữ sức khỏe vì sức khỏe là cái quan trọng ở mặt lí trí.

Và đó là một trời khác biệt! (A world of difference!)

Nhưng lại có những mục tiêu khác mà tôi cứ trầy trật cũng chỉ đạt được 50%, 60%, hay thậm chí chỉ đạt được 30% mục tiêu đề ra. Đó là những mục tiêu mà tôi không có sự thôi thúc phải làm thường xuyên, những mục tiêu mà tôi thường phải “ép” mình làm. Và dĩ nhiên, những việc mà mình phải ép mình làm thì khó để tạo ra một kết quả ấn tượng.

Và có một điểm chung ở những mục tiêu tôi không hoàn thành tốt: đó là những mục tiêu mà tôi đã đặt ra vì tôi nghĩ mình nên làm, chứ không phải là những gì phù hợp với tôi.

Và đó chính là lí do vì sao những mục tiêu “nên làm” này sẽ cứ lặp đi, lặp lại mãi hết năm này qua năm khác. Trong khi những mục tiêu thật sự phù hợp sẽ có những bước tiến rõ rệt.

Làm tốt cái gì cũng khó, cùng cần thời gian. Nhưng có những cái theo thời gian bạn sẽ trở nên thật sự giỏi và điêu luyện, và có những cái mà 10 năm sau bạn vẫn chẳng đi đến đâu. Thêm vào đó, chính bạn cũng sẽ thấy không hài lòng về những lựa chọn đó.

Đơn giản vì đó là những mục tiêu không thật. Không thật theo nghĩa là nó không phù hợp với tính cách và sở trường của bạn.

Những mục tiêu đó là kết quả của sự nhầm lẫn giữa con người thật của chúng ta với con người mà chúng ta nhầm tưởng chúng ta là, hay ngầm ước chúng ta trở thành.

Có vẻ như đó là một câu khá hay nên tôi xin được lặp lại:

Những mục tiêu đó là kết quả của sự nhầm lẫn giữa con người thật của chúng ta với con người mà chúng ta nhầm tưởng chúng ta là, hay ngầm ước chúng ta trở thành.

Những quyết tâm “thật” là những quyết tâm phù hợp với con người chúng ta, phù hợp với ước muốn và triết lí sống của chúng ta. Vì thế để biết được điều nào là thật,  chúng ta cần hiểu và khám phá chính con người chúng ta – một điều mà thoạt đầu ai cũng nghĩ là khá dễ dàng.

Và ngoài ra, chúng ta cần ý thức được những áp lực vô hình đang chi phối mỗi chúng ta. Những áp lực vô hình từ môi trường, như gia đình, bạn bè, xã hội (văn hóa), là những áp lực vô cùng to lớn. Có thể bạn sẽ nói bạn đưa ra quyết định là dựa trên suy luận và kiến thức của bạn, nhưng thật ra những áp lực môi trường kể trên nó đi vào những quyết định của bạn khi nào mà chính bạn nhiều khi còn không biết.

Đến đây câu chuyện sẽ trở nên rắc rối và khó giải thích hơn. Hay nói cách khác, có lẽ đến đây độ phức tạp của vấn đề đã vượt quá khả năng diễn đạt rõ ràng của tôi trong lúc này.

Đặt ra những mục tiêu “nên làm” hay những mục tiêu dựa trên một hình ảnh nào đó về chúng ta mà nhiều khả năng đã bị bóp méo bởi những áp lực vô hình, hay đặt ra những mục tiêu làm chúng ta hào hứng và phấn khích không chỉ trong phút chốc mà trong một quãng thời gian dài – dấu hiệu thật sự của sự phù hợp, là một sự lựa chọn thật sự của mỗi người.

Những mục tiêu thật đó có thể dễ, có thể khó, nhưng đó là những mục tiêu mà bạn sẽ có thể chiến đấu lâu dài để đạt được.

Và quan trọng hơn hết, việc đạt được nó có một ý nghĩa quan trọng và sâu sắc với bạn. Và ắt hẳn bạn đã biết rằng không phải đạt được cái gì cũng tạo ra sự hài lòng đó. Chỉ những cái thật, thật trong chân thật, mới đem đến nhiều giá trị tinh thần cho chúng ta.

Chúc bạn một năm 2018 với thật nhiều hứng khởi! Nhờ vào việc có những mục tiêu thật.

PS: Khi viết đến đây thì tôi thấy bài này còn nhiều điểm đáng nêu ra nhưng chưa nêu ra; còn nhiều câu hỏi chưa trả lời. Nhưng để trả lời hết thì có lẽ lâu mới viết xong một bài. Vậy làm sao đáp ứng được goal blog thường xuyên của năm 2018? Hay có lẽ những điểm còn bỏ dỡ là đề tài cho những bài tiếp?

To receive auto email updates about new posts, please register using this form:

Spread the love
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments